Quy hoạch đô thị vẫn thiếu tầm nhìn, điều chỉnh tùy tiện

Một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, thiếu khả thi; việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện.

Bộ Xây dựng thừa nhận trong báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.  

Đóng góp 70% GDP

Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 9.2022, hệ thống đô thị nước ta có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I; 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41% (tăng hơn 5,3% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị được giảm mạnh từ 6,9% (2010) xuống 1,1% (2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều). Tăng trưởng kinh tế đô thị đạt trung bình 12 -15%/năm; kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước.

Tăng trưởng kinh tế đô thị đạt trung bình 12 -15%/năm. Ảnh ITN

 

Về cơ sở hạ tầng đô thị, bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 92%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2%; tổng lượng nước thải được thu gom khoảng 15%.

Tính đến tháng 10.2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 60%; trong đó, tại 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và các đô thị loại I đạt khoảng 80%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng.

Hiện, có 49/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; 96 đô thị lập Chương trình phát triển từng đô thị; có 17 tỉnh đã phê duyệt 62 khu vực phát triển đô thị và một số địa phương đã thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị... Đây là cơ sở để thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và tăng cường kiểm soát các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.

Tuy vậy, Bộ Xây dựng đánh giá, còn một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện. Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật. Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao…

Sẽ chuẩn hóa tiêu chuẩn khung năng lực cán bộ

Lý giải nguyên nhân, Bộ Xây dựng cho rằng, nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, pháp luật về quy hoạch đô thị còn bất cập, pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa hoàn thiện. Quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, có nơi còn lỏng lẻo; chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thống nhất trong cả nước. Đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ…

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trước tiên cần hoàn thiện thể chế, pháp luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác. Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn thiện lý luận, phương pháp luận về quy hoạch và quản lý đô thị.

Bộ Xây dựng hiện đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị” và sẽ tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu này trong việc hoàn thiện các công cụ chính sách về quy hoạch và quản lý đô thị trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thông tin.

Về công tác quản lý đô thị, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị” sau khi được ban hành. Cùng với đó, Bộ tập trung công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, công cụ để quản lý công tác phát triển đô thị; tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị.

Mặt khác, Bộ sẽ tập trung triển khai công tác lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát huy tối đa các lợi thế phát triển của mỗi đô thị (đô thị vùng núi, đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị cửa khẩu…).

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về phát triển đô thị tại địa phương; chuẩn hóa tiêu chuẩn khung năng lực cán bộ quản lý đô thị.

Theo Đan Thanh/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều