Sáng tạo từ mô hình “Ánh sáng vùng biên”

Bám sát địa bàn, thấu hiểu những mong muốn của bà con, thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã triển khai có hiệu quả mô hình “Ánh sáng vùng biên”. Kết quả tích cực từ mô hình không chỉ mang đến niềm vui cho đồng bào khu vực biên giới, mà còn góp phần tô thắm thêm hình ảnh của những người lính “quân hàm xanh” nơi biên cương Tổ quốc…

Trường Sơn là xã biên giới khó khăn của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi sinh sống của 20 thôn, bản, trong đó có hơn 62% là người dân tộc Bru Vân Kiều. Đường giao thông đi đến nhiều bản còn nhiều khó khăn, nhất là bản Dốc Mây. Nằm ở biên giới 2 nước Việt Nam - Lào, bản Dốc Mây có 22 hộ dân với 99 khẩu, 100% hộ dân là người dân tộc Bru Vân Kiều và đều là hộ nghèo. Không có đường ô tô vào bản, nằm xa trung tâm, đời sống nhân dân ở bản Dốc Mây còn vô cùng khó khăn, đặc biệt chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt. Hiểu và chia sẻ với khó khăn của bà con, Đồn Biên phòng Làng Mô triển khai công trình “Ánh sáng vùng biên” về với bản Dốc Mây.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Dốc Mây. Ảnh: Thanh Nam.

Kết quả, 20 cột đèn sử dụng năng lượng mặt trời với hệ thống đường dây điện có chiều dài 700m đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn lắp đặt và hoàn thành bàn giao cho bà con bản Dốc Mây được vào sử dụng. Nguồn kinh phí của công trình ý nghĩa này do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tài trợ, với tổng trị giá 50 triệu đồng. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực, nhằm bảo đảm tốt an ninh trật tự, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho bà con.

Đồng chí Hồ Thua, Bí thư chi bộ bản Dốc Mây vui vẻ chia sẻ: “Được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng đường điện thắp sáng trong bản, cho trẻ em chơi, bà con trong bản vui mừng lắm. Có điện rồi, an ninh ở bản cũng tốt hơn. Vậy là ước mơ bao lâu nay của bà con chúng tôi đã trở thành sự thật rồi. Điện về cũng sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân bản Dốc Mây chúng tôi”.

Còn tại bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), dù chưa có đường ô tô vào bản, song cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng vẫn quyết tâm phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành khâu khảo sát, đơn vị tiến hành kêu gọi tài trợ, vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện trích lương để xây dựng mô hình “Ánh sáng vùng biên” cho người dân bản Cồn Roàng. Những người lính Biên phòng và bà con dân bản đã khắc phục, gùi cõng gần 2 tấn vật liệu, thiết bị với cung đường hơn 5km đồi núi, đèo dốc để thi công công trình. Công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Cồn Roàng dài 1,8km, với 36 bộ cột đèn sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng có tổng kinh phí đầu tư 70 triệu đồng được hoàn thành đã mang lại niềm vui lớn cho bà con dân bản.

Tìm hiểu được biết, bản Dốc Mây, xã Trường Sơn và bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch chỉ là hai trong số gần 100 bản vùng cao, biên giới đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình triển khai xây dựng mô hình “Ánh sáng vùng biên”. Được triển khai thực hiện từ năm 2019, mô hình “Ánh sáng vùng biên” đã thực sự góp phần quan trọng giúp thay đổi diện mạo của những bản làng xa xôi nơi biên giới của tỉnh Quảng Bình. Đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã phối hợp đầu tư xây dựng được 96 công trình “Ánh sáng vùng biên” với chiều dài hơn 90 km, trên địa bàn 94 thôn, bản với tổng giá trị đầu tư là hơn 4,5 tỷ đồng. Điển hình là Đồn Biên phòng Làng Mô đã kết nối, phối hợp triển khai xây dựng 16 công trình “Ánh sáng vùng biên”, có chiều dài 16,2 km, với tổng trị giá 815 triệu đồng; Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã hoàn thành 6,5 km đường điện gồm 185 cột điện được lắp 185 bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng với tổng mức kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng…

Thực tế cho thấy, mô hình “Ánh sáng vùng biên” là một trong những cách làm sáng tạo của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những mô hình có ý nghĩa thiết thực đối với người dân nơi núi rừng biên cương xa xôi. Có ánh điện sáng, cuộc sống của đồng bào sẽ dần vơi bớt những khó khăn, nhọc nhằn. Thành công lớn nhất thu được từ mô hình là đã giúp người dân vùng biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống; từ đây, lòng dân thuận theo ý Đảng, thắt chặt thêm tình cảm quân dân gắn bó tại địa bàn khu vực biên giới; góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc; đồng thời, tăng cường sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Theo Nguyễn Thị Hoàn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều