Sứ Dứu Hạ Thái - Kế thừa một thành tựu của Trung Đông (Bài 3)

(Mặt trận) - Sự định hình cho sắc đỏ của hoa văn dưới men ở cuối giai đoạn Nguyên Chí Chính, là một yếu tố mang tính then chốt cho sự phát triển đến đỉnh cao của kỹ thuật tạo ra các cấp độ sắc đỏ của hoa văn dưới dưới men cho dòng sứ Dứu Hạ Thái. Có một câu hỏi được đặt ra là: Nguyên liệu ôxit đồng cũng tạo ra được sắc đỏ dưới men, và đã được sử dụng phổ biến trong giai đoạn Bắc Tống. Vậy tại sao đối với dòng sứ Dứu Hạ Thái, nghệ nhân vùng Tây Á không dùng ôxit đồng để tạo ra sắc đỏ cho hoa văn dưới men, mà lại sử dụng nguyên liệu oxit bạc?
 

Vào đầu đời Bắc Tống, lò Điếu ở huyện Vũ, tỉnh Hà Nam, đã biết dùng ôxit đồng để tạo ra màu đỏ dưới men cho dòng sứ có màu đỏ toàn phần trên một sản phẩm sứ. Nhưng nguyên liệu ôxit đồng lại có nhược điểm “chí mạng”: Ôxit đồng khi gặp nhiệt có hai xu hướng tạo màu. Nếu nung đủ nhiệt, nó sẽ chuyển hóa thành màu đỏ. Nhưng kém nhiệt, nó lại chuyển thành màu xanh dương ngã tím. Vì vậy, khi nung loại sứ cho ra màu đỏ dưới men, cần phải có một lượng nhiệt đủ và ổn định; đồng thời nhiệt độ phải được phân bổ đều như nhau khắp nơi trong hầm lò. Đây là một việc không tưởng. Vì nhiệt độ ở tâm lò lúc nào cũng cao và ổn định hơn ở ngoài rìa. Nên người ta thường nung sứ có màu đỏ dưới men chung với loại sứ khác, và lúc nào cũng xếp nó ở vị trí tâm lò. Nhưng cho dù kỳ công đến như vậy, màu đỏ dưới men vẫn có những tình trạng bị lỗi. Những vật phẩm ở tâm lò thì phát toàn màu đỏ. Nhưng những thứ xếp xa tâm lò một chút, thì hay gặp tình trạng bên hướng về tâm lò có màu đỏ, nhưng bên hướng ra bìa lò lại bị phát lộ những mảng màu xanh dương ngã tím. Chính vì đặc điểm rất khó sản xuất này mà sứ có màu đỏ dưới men thường có giá vô cùng đắt đỏ ở thời kỳ Bắc Tống. Vì vậy, nếu nghệ nhân Trung Hoa vẫn chọn nguyên liệu ôxit đồng theo truyền thống đời Bắc Tống để tạo màu đỏ cho hoa văn dưới men của dòng sứ Dứu Hạ Thái, thì có khác gì họ lại tiếp tục tự đem gông tròng vào cổ mình hay sao?

Sáng kiến dùng ôxit bạc làm nguyên liệu để tạo màu đỏ cho hoa văn dưới men của dòng sứ Dứu Hạ Thái là kỹ thuật do người Tây Á phát hiện ra. Trong quá trình chế tác, ôxit bạc đã tỏ ra là một nguyên liệu lý tưởng hơn ôxit đồng nhờ vào đặc tính phát lộ màu đỏ ở nhiệt độ chỉ với 1000*C. Vì vậy, dù vật phẩm được xếp ở tâm lò hay ở vị trí ngoài rìa lò, nó đều phát lộ cho ra một gam màu đỏ đồng nhất giống như nhau.

Bí mật về cách dùng loại nguyên liệu này được đem từ Trung Đông đến Trung Hoa, là nhờ sự chiến thắng trong cuộc chinh Tây của người Mông Cổ. Nguyên liệu và kỹ thuật đã có, việc còn lại của các nghệ nhân là chuyên tâm tạo ra các sắc thái cho hoa văn màu đỏ dưới men khác nhau trên nền sứ trắng.

Công cuộc cải cách về sắc màu này diễn biến ra sao, tôi sẽ trình bày ở phần kế tiếp. Trước mắt có thể khẳng định một điều, sau đời Nguyên Chí Chính, các nghệ nhân đã tạo ra các gam hoa văn màu đỏ trên sứ Dứu Hạ Thái vô cùng phong phú. Nó có đủ các sắc độ, từ màu đỏ lưu ly, cho đến phơn phớt cánh hoa đào.

Mời quý độc giả cùng chiêm ngưỡng hoa văn và màu sắc độc đáo, đặc trưng của dòng sứ Dứu Hạ Thái:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm sứ cổ Thanh Quang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều