Sứ Dứu Hạ Thái - Khi chàng khổng lồ thức dậy (Bài 2)

(Mặt trận) - Vào thời điểm năm 1224, có một sự kiện lịch sử lớn đã xảy ra, làm rúng động một nửa nhân loại: Đó là cuộc chinh Tây kéo dài 5 năm (1219-1224 ), do hai danh tướng Mông Cổ là Triết Biệt và Tốc Bất Đài chỉ huy đã đi đến thắng lợi. Thành quả lớn nhất mà họ đem về dâng lên cho thủ lĩnh Thiết Mộc Chân không chỉ đơn thuần là một vùng đất đai rộng lớn trải dài từ Á sang Âu - với vô số vàng bạc, bảo châu, mỹ nữ… mà họ còn vô tình đem về một thứ vô cùng quý giá - sứ Dứu Hạ Thái được sản xuất từ vùng Tây Á (Trung Đông). Câu hỏi đặt ra: Vậy loại sứ này có nguồn gốc từ đâu? Bằng cách nào nó đến được, và có mặt ở vùng Tây Á xa xôi, để mãi đến hơn 200 năm sau mới làm một chuyến hồi hương trở về Trung Hoa bản quốc?

Có một dòng men bị lãng quên

 
Dòng sứ có vẽ họa tiết, hoa văn màu xanh, hoặc màu đỏ dưới men (hay còn gọi là trong men), đều thuộc dòng sứ Dứu Hạ Thái. Dòng sứ này vốn đã được người Trung Hoa chế tác thử nghiệm vào giai đoạn cuối đời Ngũ Đại Thập Quốc (cuối TK10). Sang đời Bắc Tống, loại sứ này được làm với số lượng rất nhỏ ở một số lò gốm thuộc lưu vực phía bắc sông Trường Giang. Nhưng không phải sản xuất phục vụ nhu cầu thương mại, mà chủ yếu là để khám phá và hoàn thiện thêm cho kỹ thuật chế tác. Sở dĩ nó không có giá trị thương mại và bị lãng quên đi là do trong hơn hai thế kỷ dưới vương triều nhà Tống, người Trung Hoa sản xuất và xuất khẩu hầu hết là sứ độc sắc, mà không khuếch trương sản xuất loại sứ vẽ hoa văn có màu dưới men. Vì lý do đó, mà loại sứ này đã không có cơ hội dương danh lập dạng, và đã phải trải qua một giấc ngủ dài hơn 200 năm ở đất nước Trung Hoa dưới vương triều Đại Tống. Vậy lý do tại sao kỹ thuật chế tác sứ Dứu Hạ Thái này lại xuất hiện ở Trung Đông?

Nhờ con đường tơ lụa

Trung Hoa là một điểm đến chứa đầy gian nan và nguy hiểm cho các thương nhân thời Cổ đại. Họ có hai con đường để đi đến vùng đất phương Đông huyền bí này: Hoặc đi theo tuyến hải hành từ vùng biển Nam Ấn Độ Dương về phương Đông; hoặc đi xuyên sa mạc theo trục đường bộ Đông - Tây nối liền hai lục địa Á - Âu, mà điểm xuất phát ở phương Đông, chính là cửa ngõ Đôn Hoàng.

Đôn Hoàng nằm ở phía Tây tỉnh Cam Túc và phía Đông sa mạc Taklamakan. Vào thế kỷ thứ 2 trước CN, một người Trung Hoa tên là Trương Khiên đã hai lần từ Đôn Hoàng đi về hướng Tây. Chuyến hành trình của ông là một trong những phát kiến quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Những thông tin được ghi chép lại về các vùng đất ông đã đi qua đã trở thành một trải nghiệm vô cùng quý giá. Nó tạo ra một tiền đề để người Trung Hoa đi theo bước chân ông đến khám phá vùng Tây Á và châu Âu; đề rồi từ đó đã khai sinh ra con đường tơ lụa xuyên sa mạc nối liền hai đầu lục địa Á - Âu.

Cũng vì nó có vị thế quan trọng như vậy mà vào năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế đã thiết lập cho Đôn Hoàng có tầm vóc như một pháo đài quân sự, sau đó đưa dân cư đến đây để bảo vệ và khai phá đất đai. Kể từ đó, nơi này trở thành vị trí yết hầu của cửa ngõ giao thương. Dân cư ở Đôn Hoàng từ đời Hán, Đường, đến đời Bắc Tống gồm người gốc Ấn, người gốc vùng Trung Á vv.. và người Trung Hoa. Họ sống quần cư với nhau tạo thành một cộng đồng đa sắc tộc. Cũng chính từ cửa ngõ này, mà vào thời Bắc Tống, kỹ thuật chế tác của dòng sứ Dứu Hạ Thái đã có cơ hội theo chân người Tây Á đi về vùng Trung Đông và phát triển hơn 200 năm tại sứ sở Nghìn lẻ một đêm.

Khi đến được vùng đất Trung Đông, người Tây Á đã định hình được kỹ thuật chế tác sứ Dứu Hạ Thái và sản xuất thành sứ thương phẩm. Chính vì lý do đó mà dòng sứ này mới có mặt trong thị trường giao thương gốm sứ với các nước châu Âu. Nó đã rời Trung Hoa để phát triển một cách lặng lẽ ở vùng Tây Á suốt hơn 200 năm, để mãi đến sau cuộc chinh Tây của người Mông Cổ, nó mới có cơ hội hồi hương. Người Trung Hoa đã phải ngỡ ngàng trước bộ cánh mới của một dòng sứ bị lãng quên suốt hơn 2 thế kỷ.

Và khi chàng khổng lồ thức dậy   

Sau khi chiếm được Trung Hoa, đế quốc Nguyên Mông đã có được một lãnh thổ kéo dài từ Âu sang Á và Trung Đông. Nhu cầu giao thương về gốm sứ đòi hỏi không những các mặt hàng của nhà Tống sản xuất trước đây, mà còn có sứ Dứu Hạ Thái họ đã mua của vùng Trung Đông. Trước nhu cầu của thị trường, nghệ nhân Trung Hoa đã khôi phục kỹ thuật chế tác sứ Dứu Hạ Thái. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ để cập đến dòng sứ có hoa văn đỏ dưới men.

 
Sắc đỏ dưới men của sứ Dứu Hạ Thái, được hình thành từ việc dùng oxit bạc làm chất xúc tác tạo màu để vẽ lên thân phôi mộc, sau đó phủ men và nung một lần ở nhiệt độ cao. Sản phẩm sau khi làm ra có nền trắng, hoa đỏ. Màu đỏ được tạo thành dưới men này có được tươi sáng, rực rỡ hay không, là phụ thuộc chủ yếu từ hai nhân tố sau đây:

1/ Sự tinh khiết của nguyên liệu oxit bạc. Ban đầu, người ta lấy nguyên liệu này từ các khoáng mỏ thiên nhiên. Nó chưa được tinh luyện, nên còn chứa nhiều hợp chất của một số nguyên tố khác như sắt, mangan, lưu huỳnh v.v.. Vì vậy khi phát lộ màu sắc ở nhiệt độ cao, nó cho ra màu đỏ bầm. Thậm chí, phân tử lưu huỳnh còn gây ra hiện tượng cháy xém từng mảng trên bề mặt sắc đỏ. Hiện tượng này rất thưởng hay gặp trên những hiện vật được sản xuất trong giai đoạn Nguyên Chí Chính.
2/ Trong giai đoạn Nguyên Chí Chính, do vẫn còn dùng đá sứ để nung sứ ở nhiệt độ chỉ tối đa là 1200*C, nên khi ra lò, sản phẩm sứ tương đối mềm, dẫn đến việc màu đỏ có quang trạch như màu huyết bầm, không được tươi sáng như sắc đỏ của những giai đoạn sau đã đạt được.

Sự thành công của sắc đỏ dưới men tiếp diễn thế nào, tôi sẽ trình bày ở bài viết tiếp theo. Cho dù chưa thành công lắm, nhưng sứ Dứu Hạ Thái sắc đỏ cũng đã trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường xuất khẩu vào cuối thời Nguyên Chí Chính.

Dưới đây là một số hình ảnh từ sản phẩm của dòng sứ Dứu Hạ Thái có hoa văn đỏ dưới men:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm sứ cổ Thanh Quang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều