Sứ Dứu Hạ Thái - Khôi phục một dòng men (Bài 9)

(Mặt trận) - Trước năm 1279, Tây Á là nơi sản xuất và cung cấp sứ Dứu Hạ Thái cho thị trường thế giới. Sau khi chiếm trọn Trung Hoa, sự thống trị của đế quốc Mông Nguyên bao trùm lên một phần châu Âu, châu Á và toàn bộ vùng Tây Á. Điều này đã tạo ra sự thống nhất về nguồn cung - cầu cho một thị trường rộng lớn.

Nó cũng là đòn bẩy cho việc thúc đẩy sự phát triển của các nghành tiểu thủ công nghiệp, không những về số lượng, chất lượng, mà còn về sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm. Sứ Dứu Hạ Thái cũng không nằm ngoài sự điều tiết của quy luật cung - cầu đó.

Bắt đầu từ một lỗi kỹ thuật

 

Cần phải nhắc lại, sứ Dứu Hạ Thái đã có một thời gian dài hơn hai thế kỷ (từ đầu thế kỷ 11 đến gần cuối thế kỷ 13) được sản xuất ở vùng Tây Á. Thị trường thế giới đã quen sử dụng các dòng men của loại sứ này. Trong loại sứ này, người Tây Á có sản xuất ra một dòng men gọi là men Su phủ (hay còn gọi là Khu phủ). Dòng men này ra đời bất ngờ do một lỗi kỹ thuật.

Tây Á là một vùng đất khô cằn. Nguyên liệu để làm gốm sứ nơi đây đa phần là đất sét có trộn lẫn lượng lớn hạt silicat (là dioxide silic, có dạng đa tinh thể như cát và cũng là thành phần hóa học của thạch anh). Vì vậy nghệ nhân phải tinh lọc loại hạt này ra khỏi nguyên liệu đất sét trước khi làm phôi sứ, nhằm làm cho bề mặt sứ được mịn màng. Tuy nhiên, cũng có lúc, những sản phẩm làm ra với loại nguyên liệu không đạt chuẩn, nên bề mặt sứ không được mịn màng, mà bị lấm tấm như hàng vạn đầu kim phản chiếu trên bề mặt sứ. Khi chịu sự khúc xạ dưới ánh sáng, bề mặt sứ trở nên nhấp nhô và lấp lánh, làm biến đổi độ quang trạch của các hoa văn dưới men. Sự cố trong kỹ thuật này đã vô tình khai sinh ra một dòng men mới. Đó là dòng men nền Su phủ. Vì vậy, ngoài dòng men trắng sáng, thị trường thế giới đã ưa chuộng dòng men Su phủ do Tây Á sản xuất đã hơn hai thế kỷ. Và chính do sự đòi hỏi về mặt thói quen của thị trường, mà dòng men Su phủ được khôi phục và sản xuất trở lại tại Trung Hoa.

Đến sự danh giá của một dòng men

Người Tây Á chỉ dùng các hạt silicat trộn lẫn với đất sét để tạo ra phôi gốm. Nhưng do hai loại nguyên liệu này có sự kết dính không hoàn hảo, vì vậy sáu khi nung ra, có một số lượng hạt silicat rơi khỏi mặt phôi, làm giảm đi sự lấp lánh trên bề mặt sứ. Người Trung Hoa đã khắc phục tình trạng này bằng một phương pháp rất thông minh. Họ trộn lẫn nguyên liệu hạt silicat vào đất sét, cho thêm vào một lượng cát trắng dùng cho công nghệ nấu thủy tinh. Hạt Silicat chỉ nóng chảy dưới nhiệt độ 2000*C, trong khi cát sẽ nóng chảy ở nhiệt độ 1000*C. Khi nung gốm dưới nhiệt lượng 1300*C, cát nóng chảy trong cốt phôi giữ chặt lại toàn bộ các hạt silicat vào bề mặt cốt phôi. Đồng thời nó cũng tạo ra một hiệu ứng là khiến cho cốt phôi có độ cứng như đá hoa cương. Loại cốt phôi này, sau khi vẽ hoa văn và nhúng men sứ nung thành phẩm, nó tạo ra cho cốt phôi vừa có hiệu ứng lấp lánh, vừa tạo ra độ sâu thẳm của men nền trắng lẫn màu của hoa văn dưới men.

Có thể nói, sau khi được cải tiến kỹ thuật ở Trung Hoa, dòng men Su phủ này đã đạt đến mức hoàn thiện. Nó làm mê đắm lòng người và tạo nên sự danh giá cho một dòng men. Cũng kể từ đó, nó đã vang danh trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay.

Quý độc giả cùng chiêm ngưỡng một vài hình ảnh về loại sứ độc đáo này:

 
 
 
 
 
 

 

 
 
 
 

Nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Thanh Quang

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều