Sứ Dứu Hạ Thái - Từ màu đỏ lưu ly đến phơn phớt hồng phai cánh hoa đào (Bài 4)

(Mặt trận) - Năm 1279, cứ điểm cuối cùng của nhà Nam Tống là Nhai Sơn, đã bị quân Mông Cổ triệt hạ. Đại thần Lục Tú Phu không chịu nổi sự nhục nhã, nên đã cõng tiểu hoàng đế Triệu Thức mới 9 tuổi nhảy xuống biển tự sát. Nhà Tống chính thức bị diệt vong, mở ra một thời kỳ mới trên đất nước Trung Hoa.
 

Dưới sự thống trị của của đế quốc Nguyên Mông, với lãnh thổ trải dài từ cực đông của châu Á đến vùng đông châu Âu, đã mở ra một thị trường vô cùng rộng lớn cho sự phát triển của ngành gốm sứ Trung Hoa. Điều này không những đòi hỏi sản phẩm làm ra không những phải nhiều về số lượng, mà còn phải ngày càng cải thiện về mặt chất lượng, và phong phú hơn về kiểu dáng, sắc màu. Hoa văn màu đỏ dưới men của dòng sứ Dứu Hạ Thái cũng nằm trong sự điều tiết của quy luật cung cầu đó.

Từ cuối giai đoạn Nguyên Chí Chính, các nghệ nhân Trung Hoa đã không ngừng cải tiến kỹ thuật tinh lọc nguyên liệu ôxit bạc, nhằm loại bớt các tạp chất, để cho ra các loại sản phẩm sứ Dứu Hạ Thái hoàn Mỹ hơn về chất lượng màu, và đa dạng hơn cấp độ màu. Nhờ đó mà các lỗi cháy xém, hay loang lổ trên bề mặt hoa văn dần được khắc phục. Khiến cho màu đỏ được ổn định hơn trên nền men sứ trắng. Cũng như nguyên liệu khoáng cobal, ôxit bạc ở mỗi vùng nguyên liệu khác nhau, cho ra các gam màu đỏ khác nhau. Vì vậy, người Trung hoa không ngừng đi tìm các vùng nguyên liệu mới, để cho ra những sản phẩm có các gam màu từ đậm tới nhạt vô cùng phong phú.

Bên cạnh đó, sự thành tựu trong việc cải tiến kỹ thuật nung sứ cũng góp phần không nhỏ cho công cuộc phô diễn sắc đỏ dưới men. Họ đã phát kiến ra kỹ thuật trộn thêm cao lanh vào đá sứ để có thể nung sứ ở nhiệt lượng cao đến 1.300*C. Do hàm lượng nhôm trong cao lanh tương đối cao, nên đã làm tăng độ trắng cho sứ. Đồng thời, việc tăng nhiệt độ nung cũng đã giúp nâng cao độ cứng của bề mặt sứ. Hai yếu tố này khiến cho chất sứ trắng bóng và sáng hơn, dẫn đến làm cho sắc đỏ của hoa văn dưới men có độ quang trạch tốt hơn giai đoạn trước.

Một thành tựu nữa trong kỹ thuật chế tác sứ Dứu Hạ Thái cũng cần được nhấn mạnh chính là thủ pháp thể hiện các họa tiết. Nếu như trước đời Nguyên Chí Chính, người ta dùng cách vẽ toàn màu (Ví dụ vẽ một đóa hoa, nghệ nhân sẽ vẽ toàn một màu đỏ, mà không chừa ra các khoảng trắng bên trong đóa hoa), khiến cho họa tiết trở thành khô khan. Thì ở giai đoạn sau, nghệ nhân đã áp dụng thủ pháp vẽ không toàn màu. Giữa các chi tiết màu đỏ, họ chừa những khoảng trắng, để làm nổi bật hơn bố cục của đồ án. Thủ pháp vẽ này đã khiến cho hoa văn màu đỏ dưới nền sứ trắng trở nên mềm mại và bay bổng hơn thêm.

Chỉ trong khoảng thời gian gần 100 năm - kể từ cuối đời Nguyên Chí Chính đến đời Mình Tuyên Đức, những thành tựu trong cách chế tác nêu trên đã khiến cho những sản phẩm có hoa văn màu đỏ dưới men của dòng sứ Dứu Hạ Thái vang danh trên khắp thế giới. Trong nền gốm sứ trắng tinh khôi, đã nổ ra một cuộc chiến phô diễn sắc màu với đủ đầy các cung bậc. Từ màu đỏ thắm như ngọc lưu ly, đến phơn phớt ánh hồng phai như cánh hoa đào.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm sứ cổ Thanh Quang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều