Tội phạm sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke và một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa

(Mặt trận) - Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay, dịch vụ lưu trú, karaoke là hai lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do lực lượng Công an quản lý. Đây cũng là hai loại hình dịch vụ phát sinh nhiều nhất các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự. Hiện nay, tình trạng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke để hoạt động phạm tội về ma tuý, trong đó có tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đang diễn biến hết sức phức tạp.  
Công an quận Hải Châu, Đà Nẵng kiểm tra hành chính một vũ trường ở khu vực trung tâm. Ảnh CAND

Tại Điều 3, Công ước năm 1988 của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và các chất hướng thần, tội phạm ma túy là một trong các hành vi: “Sản xuất, chiết xuất, pha chế, chào hàng, phân phối, mua bán, trao đổi, tàng trữ ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào, trồng các loại cây chứa chất ma túy hoặc tàng trữ các chất ma túy, chất hướng thần một cách trái phép. Tổ chức chỉ đạo hoặc tài trợ cho những hành vi phạm tội đó. Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ những hành vi phạm tội ma túy”. Tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một tội phạm cụ thể trong nhóm các tội phạm về ma túy, mang đầy đủ đặc tính chung của tội phạm ma túy và có những đặc điểm riêng của tội phạm này.

Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý được quy định tại Điều 255, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Có thể hiểu tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do những người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, hành vi đó có thể là hoạt động chỉ huy, phân công, điều hành hoặc đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác, gây ra những hậu quả, tác hại xấu về nhiều mặt đối với xã hội”.

Dịch vụ lưu trú là hoạt động kinh doanh cung cấp các cơ sở lưu trú ngắn hạn cho những người có nhu cầu. Kinh doanh dịch vụ lưu trú được hiểu là kinh doanh các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật Du lịch và các hình thức dịch vụ lưu trú khác hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch.

Tại Điều 3, Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ  quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã nêu rõ: kinh doanh dịch vụ lưu trú gồm các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật Du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (nghỉ theo giờ và nghỉ qua đêm), hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch. Điều 48 Luật Du lịch năm 2017 quy định, các loại cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 8 hình thức lưu trú như sau: khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch khác. Như vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú là các cơ sở hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ nghỉ qua đêm hoặc theo giờ nhằm mục đích sinh lợi của các tổ chức, hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Về loại hình dịch vụ karaoke, đây là một loại hình phổ biến trong các dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, xuất bản năm 2020 đã giải thích: “Karaoke là lối hát hòa theo nhạc đệm, dựa vào thiết bị nghe nhìn vừa nghe được nhạc vừa có thể xem hình ảnh minh họa và phụ đề ghi lời của bài hát trên một màn hình”. Tại điểm a, khoản 21 Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định: kinh doanh dịch vụ karaoke, gồm các hoạt động ca hát theo đĩa ghi nhạc và hình hoặc bằng các công nghệ ghi hình và nhạc khác. Từ các quy định trong văn bản pháp luật có thể hiểu kinh doanh dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát theo quy định của Nhà nước nhằm thu lợi nhuận, trong quá trình hoạt động kinh doanh phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và chịu sự quản lý về ANTT của cơ quan Công an”.

Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường quy định: “Dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của Nghị định này”.Theo đó cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được hiểu là cơ sở chuyên cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát theo quy định của Nhà nước.

Để phù hợp với mục đích và điều kiện kinh doanh, nhằm thu lợi nhuận, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke thường được xây dựng tại những điểm du lịch, có nhiều danh lam, thắng cảnh hoặc khu vực đông dân cư, tập trung các hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội. Những người thường xuyên đến những địa điểm này là những người có điều kiện về kinh tế, có thu nhập ổn định, tập trung nhiều là giới trẻ, thanh niên và sinh viên. Số lượng người đến với các địa điểm này thường lớn, có thể lên tới hàng chục, hàng trăm người. Phần lớn người dân đến các địa điểm này để thoả mãn những nhu cầu cá nhân, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trong đó có một bộ phận lợi dụng các địa điểm này để hoạt động phạm tội như: hoạt động mại dâm, sử dụng trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý...

Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thường được trang bị hệ thống âm thanh có công suất lớn, ánh sáng cao áp nhiều màu sắc hiện đại. Hoạt động của những cơ sở này thường được các chủ cơ sở, quản lý trang bị hệ thống âm thanh công suất lớn kết hợp với hệ thống ánh sáng nhiều màu sắc rực rỡ gây kích thích rất mạnh đến tâm lý của những người đến vui chơi, giải trí. Những tác động của ánh sáng, âm thanh cùng với sự kết hợp của việc sử dụng các loại chất ma tuý như “thuốc lắc, hồng phiến, ketamine, ma túy tổng hợp dạng đá...” khiến cho các đối tượng có thể “lắc” thâu đêm, có nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma tuý có thể “lắc” liên tục nhiều ngày liền, thậm chí nhiều trường hợp do hoạt động quá sức, sử dụng ma túy quá liều đã dẫn đến suy tim và tử vong.

Hoạt động phạm tội về ma tuý của các đối tượng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke thường có sự liên quan đến những người là chủ cơ sở kinh doanh, những người làm công tác quản lý, nhân viên, lễ tân, kỹ thuật viên... Phần lớn hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke liên quan đến việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thường có sự tiếp tay trực tiếp hoặc gián tiếp của những người có liên quan như chủ cơ sở hoặc người điều hành hoạt động của cơ sở. Vì lợi nhuận do hoạt động kinh doanh trái pháp luật mang lại, những người có trách nhiệm tại những cơ sở này có thể trực tiếp hoặc “làm ngơ” cho các hoạt động phạm tội về ma tuý. Chính vì vậy, trong thực tiễn đã có những cơ sở kinh doanh bị xử lý vi phạm hành chính nhiều lần, thậm chí lên đến hàng chục lần, nhưng sau mỗi lần vi phạm, các cơ sở này chỉ đóng cửa một thời gian hoặc thay tên cơ sở sau đó lại tiếp tục hoạt động trở lại.

Trong thời gian tới, sau thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, cùng với sự phục hồi về kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, số lượng cơ sở kinh doanh và người làm nghề trong các cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke sẽ dần hồi phục và gia tăng, trong đó có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự. Có một số trường hợp cơ sở kinh doanh có khó khăn không thể hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến phải chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu cơ sở kinh doanh nhưng chủ mới chậm làm các thủ tục để cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác quản lý; một số cơ sở vì lợi nhuận, vì khó khăn về tài chính sau dịch sẵn sàng “làm ngơ” tạo điều kiện cho hành vi vi phạm pháp luật diễn ra, thậm chí kinh doanh trái phép, trong đó có kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke khi chưa đủ các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc chưa được cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp Giấy phép kinh doanh karaoke. Các vụ việc liên quan đến tội phạm, tệ nạn về ma túy vẫn sẽ phức tạp tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và các cơ sở kinh doanh lưu trú do đây là địa điểm “lý tưởng” cho các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp: có âm thanh mạnh, ánh sáng đủ màu sắc, dễ tụ tập để “bay lắc”, “thác loạn” tập thể.

Để góp phần kiềm chế, kiểm soát tình hình tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke, trong thời gian tới, lực lượng Công an và các chủ thể quản lý nhà nước cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, nghiên cứu chính sách, tham mưu rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Công an chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông...) sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành thuộc trách nhiệm của các bộ để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thống nhất với quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke. Bổ sung các quy định liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy; nghiên cứu giải quyết tốt mối quan hệ giữa yêu cầu cải cách hành chính và yêu cầu về nghiệp vụ, nội dung các quy định pháp luật hàm chứa ý đồ nghiệp vụ, thực sự tạo nền tảng thuận lợi để triển khai các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an liên quan đến lĩnh vực này theo phân công, phân cấp.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân tham gia vào giám sát, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú để các cơ sở kinh doanh và người làm nghề trong cơ sở kinh doanh hiểu và tự giác chấp hành. Ngoài nội dung các quy định pháp luật, cần tuyên truyền để người dân và cơ sở kinh doanh nhận thức rõ những thủ đoạn mà tội phạm thường lợi dụng hoạt động kinh doanh ngành nghề để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Thông qua tuyên truyền, vận động quần chúng để nâng cao tính chủ động phòng ngừa của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke, kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến an ninh, trật tự, trong đó có tội phạm sử dụng trái phép chất ma túy cho cơ quan Công an có thẩm quyền.

Ba là, lực lượng chức năng trong Công an nhân dân kiểm soát chặt chẽ về thủ tục hành chính ngay từ khâu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, xác minh điều kiện về an ninh, trật tự để chủ động phòng ngừa tội phạm. Tuyên truyền, nâng cao ý thức nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính; kịp thời xác minh, xử lý các trường hợp có dấu hiệu che giấu lai lịch, giả mạo hồ sơ trong cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, chú ý phát hiện các trường hợp thuê mượn người khác để đứng tên trên giấy đăng ký kinh doanh và làm người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự để hợp lý hóa hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke. Các trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đều phải tiến hành hậu kiểm điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định.

Bốn là, các chủ thể quản lý cần tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở kinh doanh. Tổ chức hướng dẫn nhân dân, các cá nhân, tổ chức kinh doanh chấp hành các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự, tham gia quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của cá nhân, tổ chức. Thu thập, tích lũy tài liệu, lập hồ sơ theo dõi, quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke.

Năm là, lực lượng Công an nhân dân cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, kế hoạch về công tác phòng ngừa tội phạm về ma tuý tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó tập trung là các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, lực lượng Công an nhân dân tổ chức triển khai các biện pháp phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn. Từ mối quan hệ phối hợp này giúp lực lượng Công an nhân dân thực hiện tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là chủ, quản lý, nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke nắm được pháp luật, hậu quả tác hại và thủ đoạn của tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, không tham gia, tiếp tay cho tội phạm về ma tuý; nắm được tình hình tại các lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn. Tiến hành kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh, đồng thời có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nói riêng và tội phạm về ma tuý nói chung tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke.

Trung tá Lê Việt Hùng

Công an tỉnh Bắc Giang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều