Ùn tắc giao thông Thủ đô: Cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhều giải pháp

Theo các chuyên gia giao thông, để giải bài toán ùn tắc giao thông nội đô, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, phải ưu tiên di dời các cơ sở tập trung đông người ra khỏi trung tâm, phát triển mạng lưới phương tiện công cộng, đồng thời xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn...

Tắc đường đoạn Ngã Tư Sở sau khi đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở thông xe. Ảnh: LĐO

Hà Nội xử lý được điểm ùn tắc này, lại phát sinh điểm ùn tắc khác

Ngột ngạt, oi nồng bởi khói xe, bụi bặm khi phải len lỏi giữa rừng phương tiện ôtô, xe máy... vào giờ cao điểm là cảm giác không ai muốn nhưng vẫn phải trải qua mỗi ngày bởi vấn nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, đầu năm 2022, Thành phố có 35 điểm thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, chủ yếu trong nội thành từ Vành đai 3 trở vào.

10 tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý được 8 điểm nhưng dự kiến phát sinh 10 "điểm đen" ùn tắc mới.

Như vậy, con số "điểm đen" ùn tắc của Hà Nội nhiều năm nay vẫn ở mức từ 30 - 35 điểm, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Thành phố.

Đường Nguyễn Trãi từ lâu đã trở thành "điểm đen" ùn tắc. Ảnh: Phạm Đông

Nguyên nhân ùn tắc được Sở GTVT Hà Nội đưa ra là sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa, đặc biệt một số tuyến đường hướng tâm dẫn vào trung tâm...

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên chưa đến mức "mãn tính" bởi Hà Nội thường ùn tắc khoảng 1 - 1,5 tiếng vào khung giờ sáng và tan tầm.

Chỉ tính trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho hạ tầng giao thông với mong muốn tìm ra các giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc, đưa giao thông trở nên thông thoáng hơn.

“Hà Nội đã có nhiều cố gắng nhưng chỉ mới đang đầu tư mở rộng một số tuyến đường, triển khai một số cầu vượt nhẹ bằng thép, xe buýt BRT, đường sắt đô thị…thế là chưa đủ”, ông Bình nói.

Phải giải quyết đồng bộ các vấn đề

Để giải bài toán này, theo chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan, Hà Nội cần phải giải quyết đồng bộ các vấn đề. Trước mắt cần di dời các cơ sở tập trung đông người ra khỏi trung tâm, nhằm phân bổ áp lực giao thông, giảm tải tình trạng ùn tắc.

"Hà Nội đã đặt mục tiêu di dời một số cơ sở ra ngoại thành nhưng nhiều năm qua chưa triển khai được. Nếu không quyết liệt hoàn thành mục tiêu đó, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ còn kéo dài hơn nữa”, ông Phan nhận định.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, đối với hệ thống giao thông ở một đô thị phát triển như Hà Nội, phải đảm bảo 20 - 25% diện tích đất tự nhiên dành cho hệ thống đường giao thông.

"Đến nay chúng ta đạt được từ 10 - 12%, chưa bằng một nửa so với kinh nghiệm của các nước đã làm", ông Nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, hiện nay giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch có sự khác nhau. Thực tế cho thấy nhiều dự án liên tục bị điều chỉnh quy hoạch, cái sau phá vỡ cái trước, dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ, băm nát… Các dự án sau khi hoàn thành làm tăng chỉ tiêu về dân cư, gây áp lực lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.

Hàng loạt chung cư, cao ốc trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Hải Nguyễn 

Do đó, để rút ngắn khoảng cách giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch, cần ngăn việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện. Muốn làm điều này, trước hết phải xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo chất lượng.

Một giải pháp đáng chú ý là hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt lượng xe máy đã xấp xỉ bằng số dân thường trú. Nếu tiếp tục tăng cao từng ngày như hiện nay, không một cơ sở hạ tầng nào có thể đáp ứng được áp lực do xe cá nhân mang lại.

Theo TS.KTS Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị nổi, ngầm dưới đất, là những giải pháp tốt để giảm ùn tắc cho Hà Nội.

"Với những đô thị trên 10 triệu dân dứt khoát phải có đường sắt đô thị. Chỉ khi mạng lưới phương tiện công cộng phổ biến, số lượng xe máy, sau đó là ôtô cá nhân sẽ giảm đáng kể, từ đó mới giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông", ông Hải nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đầu tư hạ tầng cần có lựa chọn, dự án nào cần trước, thuận lợi triển khai thì tập trung vốn thực hiện ngay. Đó vừa là chiến lược lâu dài, vừa là giải pháp trước mắt cho mạng lưới giao thông còn nhiều bất cập của Hà Nội.

Theo Hữu Chánh/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều