Điện Biên: Nhân rộng mô hình giảm nghèo thành công

(Mặt trận) - Nằm ở biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Điện Biên có  trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), kinh tế dựa nhiều vào phát triển kinh tế rừng, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp nhiều lần mặt bằng chung. Những năm qua, xác định xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển các hướng đi, mô hình phát triển kinh tế mới. Nhiều cá nhân đã thành công vươn lên thoát nghèo và trở thành những điển hình tiêu biểu tại địa phương.
Hàng nghìn hộ gia đình tại tỉnh Điện Biên đã vượt qua ranh giới đói nghèo

Nhằm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Điện Biên đã đặt ra những chiến lược cụ thể bao gồm: Chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu, tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và tập trung đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân; Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hướng đến giải quyết vấn đề nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chiều thiếu hụt, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo.

Công tác xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Điện Biên luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh quan tâm, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đẩy mạnh các phong trào chăm lo giúp đỡ những người nghèo trên địa bàn. MTTQ từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế, chủ động phối hợp triển khai lồng ghép nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện. Ủy ban MTTQ các cấp đã hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các nội dung giảm nghèo bền vững với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng trong nhân dân và phát huy vai trò của người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, động viên nhân dân tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức đoàn thể; chủ động trong sản xuất, sử dụng các nguồn hỗ trợ có mục đích, hiệu quả, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ sự quan tâm đó, trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành tích nhất định trong công tác giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 2.345 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ các dự án, tiểu dự án phát triển sinh kế đã hỗ trợ 1.293 lượt hộ chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất; hỗ trợ 10.347 hộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao…

Đơn cử như đối với Chương trình 135, toàn tỉnh đã hỗ trợ 5.774 con trâu, bò cho hơn 8.000 hộ; 53.366 con gia cầm cho 692 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp cho 771 hộ; hỗ trợ 1.035 máy móc, thiết bị; hỗ trợ 3 hợp tác xã liên kết tiêu thụ dứa, dong riềng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Hiệu quả từ việc đa dạng hoá sinh kế đã lan tỏa, nhân rộng cách làm cho hàng trăm, nghìn hộ dân khác cùng học hỏi, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Kết thúc năm 2021, có khoảng 6.680 hộ dân vượt qua ranh giới đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76% (giảm 3,21% so với năm 2020), riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn 38,64% (giảm 4,5% so với năm 2020).

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, nhất là chú trọng, phát huy các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các mô hình kinh tế phù hợp, đời sống người dân đặc biệt là đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Nhiều cá nhân, hộ gia đình đã trở thành những điển hình tiêu biểu bởi sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

 

Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững cần được nhân rộng

Đối với nhiều bà con dân tộc ở huyện Mường Chà, Điện Biên, giờ đây Trưởng bản Huổi Ho Lý A Dính là tấm gương sáng về thoát nghèo ở địa phương. Không muốn là gánh nặng cho Nhà nước, nên dù cuộc sống chưa thực sự no đủ nhưng ông Dính đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Được sự động viên, khích lệ của chính quyền, ngoài tích cực chăm sóc 2ha lúa, ông Dính đầu tư chăn nuôi gà, trâu kết hợp với trồng gần 2ha dứa. Từ thiếu đói nhiều tháng trong năm, giờ đây gia đình đã có của ăn, của để..

 

Người dân nghèo ở Điện Biên đã chủ động phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo

Huyện Nậm Pồ, Điện Biên nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ nghèo còn tới 67,97%. Nhưng thời gian qua, nhờ được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói giảm nghèo mà đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Các chương trình hành động cụ thể được thực hiện ở huyện Nậm Pồ như: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, chính sách hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm mới cho người lao động. Ngoài ra, huyện còn phân bổ vốn tín dụng ưu đãi về các xã để kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng với số tiền 60,119 tỷ đồng. Khi được vay vốn các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành đầy đủ các cam kết đã ký với ngân hàng, trả lãi hàng tháng và trả gốc khi đến hạn. Sử dụng vốn vay có hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình là gia đình ông Vàng A Là, sinh sống tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Từng là hộ nghèo, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn, phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả với thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều