Đổi mới hình thức cung cấp thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công tác truyền thông phải đi trước một bước để tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu rõ, tin tưởng và tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Báo chí đem tri thức đến cho đồng bào dân tộc 
Trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, công tác truyền thông qua việc hỗ trợ các ấn phẩm báo chí cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn miền núi được quy định tại Điều 71 Thông tư 02/2022/TT-UBDT. Việc cấp ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được kéo dài sang giai đoạn 2022 - 2025.

Quy định quản lý và sử dụng hiệu quả các ấn phẩm báo, tạp chí

Đối tượng được cấp các ấn phẩm báo chí gồm: UBND xã vùng DTTS và MN; thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III và chùa Khmer; Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; HĐND xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Ủy ban MTTQ cấp xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi và chùa Khmer; Hội nông dân xã thuộc khu vực III, chi hội nông dân thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III; Đoàn xã thuộc khu vực III, chi đoàn thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III; Trường Tiểu học các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Trường Trung học Đoàn xã thuộc khu vực III, chi đoàn thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III; Trường Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú cụm xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hội Cựu chiến binh xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hội phụ nữ xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Thôn bản thuộc các xã, phường biên giới; Đoàn xã thuộc khu vực III, chi đoàn thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III; Hội Chữ thập đỏ các xã thuộc khu vực III, Chi Hội chữ thập đỏ thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III và Chùa Khmer.

Đối với các xã, thôn, bản: Tổ chức, cá nhân được cấp ấn phẩm báo, tạp chí có trách nhiệm quản lý, sử dụng để phục vụ cho công tác tham mưu, chỉ đạo và tuyên truyền phổ biến cho đồng bào nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, ngoài ra còn có trách nhiệm đưa xuống cơ sở để mọi người cùng đọc.

Các địa phương có thư viện, phòng đọc, điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm sinh hoạt cộng đồng: tập trung các ấn phẩm báo, tạp chí để đồng bào có điều kiện đến đọc hoặc tổ chức đọc cho mọi người cùng nghe. UBND cấp xã quản lý, sử dụng hiệu quả các ấn phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân trên địa bàn được đến đọc các ấn phẩm báo, tạp chí; đồng thời có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho thôn bản; đánh giá và nắm bắt nguyện vọng của đồng bào để phản hồi chính xác, kịp thời về các cơ quan đầu mối thực hiện chính sách.

Ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các lớp học sử dụng trong các buổi sinh hoạt lớp, sau đó chuyển về thư viện của trường. Nhà trường có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất, đảm bảo tất cả học sinh đều được đọc. Ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các đoàn thể, chính trị - xã hội quản lý tập trung tại các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội quản lý, khai thác, sử dụng, tạo điều kiện cho các đoàn viên, hội viên đều được đọc, được xem, được nghe đồng thời dùng làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt tập trung. Ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS và MN, để phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biến, vận động đồng bào tham gia thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.

Những địa phương làm tốt công tác đưa báo chí đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đưa báo, tạp chí đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 
Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) là huyện miền núi có gần 62% dân số là người dân tộc thiểu số, huyện luôn quan tâm, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đây thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền với người dân, hàng năm huyện luôn dành nguồn lực để thực hiện chính sách cho người có uy tín; thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán; kịp thời biểu dương, khen thưởng và cấp miễn phí một số báo chí phù hợp cho người có uy tín…

Việc cấp phát báo, tạp chí cho người có uy tín đã phát huy tốt hiệu quả ở địa phương. Từ những kiến thức trau dồi được, người có uy tín đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện cho ý chí làm chủ của nhân dân, chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp chính quyền, đồng thời đóng góp thiết thực vào các chương tình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Tại tỉnh Bắc Kạn, các ấn phẩm báo cấp cho UBND xã, các hội, đoàn thể của xã được quản lý tập trung tại tủ sách pháp luật, tạo điều kiện cho các thành viên đều được đọc, đồng thời dùng làm tài liệu tuyên truyền, chuyển đến cho các đoàn thể và chuyển cho cá nhân phụ trách quản lý, sử dụng để nắm thông tin phục vụ cho công tác tham mưu, chỉ đạo và tuyên truyền phổ biến cho đồng bào. Ấn phẩm báo cấp cho các thôn được giao cho trưởng thôn quản lý và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền cho nhân dân trong thôn thông qua các cuộc họp thôn. Ấn phẩm báo cấp cho các trường học được đưa về các lớp để đọc trong các buổi sinh hoạt lớp, sau đó chuyển về thư viện của trường để phục vụ đọc tại thư viện.

Ngoài ra, các trường học còn tổ chức phục vụ bạn đọc bằng nhiều hình thức phong phú khác như cho giáo viên và học sinh mượn tài liệu về nhà, tủ sách góc lớp, tủ sách sân trường, tổ chức các hoạt động ngày hội đọc sách… Qua đó giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị vùng dân tộc, miền núi, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; giúp đồng bào dân tộc biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, tỉnh Kon Tum đã thực hiện cấp phát và quản lý sử dụng hiệu quả các ấn phẩm, báo, tạp chí cho các đối tượng thụ hưởng là các cơ quan, đơn vị, trường học, người uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với những thông tin đa dạng, phong phú, cập nhật chủ trương của Đảng và Nhà nước, nên các báo, tạp chí là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và bộ đội biên phòng, người có uy tín, già làng, trưởng bản làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trở thành kênh tuyền truyền thiết thực, công cụ hữu hiệu và sổ tay cho các đối tượng phát huy vai trò, vị trí của mình. 

Đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Để làm tốt hơn nữa việc đưa thông tin đến cho đồng bào DTTS qua các ấn phẩm báo, tạp chí, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn I (2021-2025) quy định về đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng (Thông tư 02/2022/TT-UBDT - Điều 74) như sau:

Đối với việc cấp ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định số 45/QĐ-TTg:  

Đổi mới nội dung cung cấp thông tin: tăng cường bài viết theo chuyên đề cung cấp kiến thức về đời sống, xã hội, giới thiệu các mô hình hay, việc làm tốt ở vùng dân tộc thiểu số trong nước và các dân tộc khác trên thế giới; về chăm sóc sức khỏe, kinh nghiệm sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những bài học quý giá, các phong tục tập quán, tinh thần nhân ái, các hoạt động từ thiện nhân đạo. Các bài viết phải đảm bảo cân đối vùng miền và sắc màu các dân tộc trong cả nước.

Đổi mới hình thức trình bày ấn phẩm: tăng cường hình ảnh, màu sắc, trình bày xen kẽ giữa hình ảnh minh họa với tin bài (dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng) để nâng cao hiệu quả về truyền thông, đặc biệt là nhìn nhận vấn đề về cuộc sống gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, không chủ quan, xa rời thực tế.

Tăng cường công tác quản lý phát hành ấn phẩm báo, tạp chí đảm bảo kịp thời, đúng địa chỉ; thường xuyên kiểm soát việc tiếp nhận, khai thác ấn phẩm báo, tạp chí ở cơ sở.

Nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.

Khảo sát nhu cầu, đánh giá việc triển khai thực hiện cấp ấn phẩm báo, tạp chí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng Đề án đề xuất đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và các địa phương liên quan khảo sát, đánh giá đề xuất hình thức đổi mới cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định./.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều