Đẩy mạnh hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Ảnh: baophutho
Hướng tới giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống vùng đồng bào DTTS&MN, cũng như đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, tạo động lực giúp đồng bào thoát nghèo, tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch, khẩn trương chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương triển khai tích cực. Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, nhóm đồng bào DTTS khó khăn; tập trung cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; triển khai rà soát, thống kê nhu cầu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS&MN đảm bảo đúng đối tượng, quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 40/2022/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 quy định định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất làm căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch bố trí thực hiện.
Việc thực hiện rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng hỗ trợ theo các nội dung của dự án đã tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, đảm bảo sự tham gia, giám sát của người dân. Qua rà soát, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có khoảng 2.500 hộ có nhu cầu được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Đến nay, một số nội dung của dự án đang được khẩn trương hoàn tất công tác thẩm định hồ sơ ra quyết định phê duyệt định mức hỗ trợ, chuyển cơ quan chuyên môn thực hiện giải ngân vốn cho các đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành hướng dẫn rà soát đối tượng, thứ tự ưu tiên, nội dung, nguyên tắc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS&MN để tạo điều kiện cho các địa phương trong quá trình thực hiện dự án đảm bảo nội dung theo quy định. Qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 2.500 hộ có nhu cầu được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định quy định hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 với mức ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/nhà. Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh đã cụ thể hóa quy trình thực hiện khép kín, phân cấp thực hiện từ khu dân cư đến UBND cấp huyện.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cung cấp nước sinh hoạt phân tán, nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, vùng, cộng đồng dân cư. Căn cứ vào nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng có thể hỗ trợ theo nhóm hộ và đặc thù người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi sinh sống rải rác, theo các nhóm hộ nên việc hỗ trợ nước sinh hoạt theo hình thức phân tán với cách thức như: Đào giếng, mua vật dụng dẫn nước, trữ nước hoặc tùy theo tình hình thực tế để xây dựng công trình sử dụng chung trên nguyên tắc đã bàn bạc, tự nguyện, thống nhất, đảm bảo hiệu quả, khả thi khi triển khai thực hiện.
Tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.476 hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong năm 2022 và 2023. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cần thiết và hỗ trợ mua sắm vật dụng chứa đựng nước sạch cho người DTTS. Trong khi đó, việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến và vận động đang được đẩy mạnh, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của đồng bào DTTS quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch, bảo vệ công trình cấp nước ở từng khu vực.
Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cần thiết cho người DTTS. Ảnh: baophutho
Những vướng mắc còn gặp phải
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan vẫn còn chặt chẽ, vai trò của cơ quan chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chưa được phát huy tối đa.
Mặt khác, do đặc thù địa hình bị phân chia và địa bàn cư trú của đồng bào DTTS của tỉnh chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, núi cao nên nhu cầu về đất ở, đất sản xuất là khá lớn, do vậy không đủ diện tích đất để thực hiện bố trí theo nội dung của đề án. Cùng với đó, công tác thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn bất cập bởi nhiều nguyên nhân khác như: Nhận thức của một số người dân về mục tiêu các chương trình chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến tư tưởng trông chờ, dựa nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nguồn kinh phí hằng năm Trung ương cấp còn thấp, ngân sách của các địa phương còn “khiêm tốn”, khó cân đối trong việc đối ứng để triển khai thực hiện...
Công tác tuyên truyền về những hỗ trợ của Dự án còn chưa đầy đủ; một số cán bộ thực thi chính sách ở cấp xã và khu dân cư vẫn chưa nắm rõ các nội dung hỗ trợ. Ngoài ra, một bộ phận người dân cũng chưa hiểu rõ quyền lợi của mình liên quan đến các nội dung hỗ trợ của Dự án. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng gặp nhiều trở ngại.
Vì vậy, cùng với sự tham gia tích cực của tỉnh, các ban, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, theo dõi, hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các hộ dân trong quá trình xây dựng nhà ở, đảm bảo tuân thủ quy định và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng làm cơ sở giải ngân vốn hỗ trợ. Đồng thời, tại các địa phương, hệ thống chính trị đã chủ động tuyên truyền, phổ biến thông tin, vận động và huy động nguồn lực từ mạnh thường quân cũng như cộng đồng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để tiến hành kiểm tra, giám sát và đánh giá tiến độ cũng như chất lượng của các công trình, dự án trong tỉnh nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn, trở ngại, đảm bảo tiến độ, thời gian. Trong công tác giám sát các công trình, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, cần phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng từ đó hạn chế sai sót và tiêu cực trong việc triển khai các dự án đầu tư tại địa phương.
Minh Anh