Lào Cai đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 1 từ thực hiện chính sách tín dụng

(Mặt trận) - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi (Nghị định 28) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan, UBND các cấp triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung Nghị định quy định: công tác rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách, tổng hợp nhu cầu vay vốn, thực hiện quy trình vay vốn, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Qua quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, thực thi chính sách có hiệu quả tại các địa phương.
Lào Cai đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân vốn Chương trình 1719. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản: Văn bản số 2660/UBND-TH ngày 16/6/2022 về việc triển khai thực hiện rà soát đối tượng vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ; Văn bản số 6446/UBNDNLN ngày 04/10/2022 về việc rà soát lập, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản suất, chuyển đổi nghề trong dự án 1 thuộc Chương trình 1719, Ban Dân tộc ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện các nội dung được UBND tỉnh phân công, thực hiện công tác tổng hợp và thống nhất với Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh (Văn bản số 301/BDT-CSDT ngày 21/6/2022 về việc đề nghị triển khai thực hiện rà soát đối tượng vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, Văn bản số 389/BDT-CSDT ngày 01/7/2022 về việc khó khăn đáp ứng thời hạn thực hiện rà soát đối tượng vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Văn bản số 431/BDT-CSDT ngày 05/7/2023 về việc xây dựng kế hoạch chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ).

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban, UBND cấp xã rà soát, tổng hợp nhu cầu theo quy định. Qua báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, số hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện được tiếp cận vay vốn là 4.012 hộ và 01 hợp tác xã; trong đó: Hỗ trợ nhà ở cho 983 hộ; hỗ trợ đất ở cho 624 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 2.090 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 315 hộ và 01 hợp tác xã.

Cùng với đó, thủ tục và quy trình vay vốn đơn giản, thông qua các tổ chức chính trị nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn người vay làm thủ tục tại nhà và giải ngân tại điểm giao dịch xã, đảm bảo an toàn, thuận tiện, hiệu quả và đúng đối tượng thụ hưởng. Tổng vốn giao thực hiện cho vay trên địa bàn tỉnh là 50.728 triệu đồng. Doanh số cho vay 50.611 triệu đồng với 800 hộ gia đình, trong đó: Số vốn vay hỗ trợ đất ở là 2.410 triệu đồng cho 48 hộ; số vốn cho vay hỗ trợ nhà ở là 9.669 triệu đồng cho 244 hộ; số vốn vay hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề là 33.297 triệu đồng cho 411 hộ; số vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là 5.235 triệu đồng cho 97 hộ. Đến hết tháng 02/2024, tổng dư nợ là 50.611 triệu đồng (bằng dư nợ đến hết 31/12/2023 do năm 2024 chưa được Trung ương giao kế hoạch).

Chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS và miền núi. Chính sách được người dân phấn khởi đón nhận với hy vọng nguồn vốn vay với lãi suất thấp và thời hạn dài sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập giảm nghèo bền vững.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Dân tộc tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; đã tập chung tham mưu, triển khai thực hiện chính sách đến các địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục: Một bộ phận người dân có nhận thức chưa cao, tập quán sản xuất còn lạc hậu, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu..., dẫn đến một số hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh có nguy cơ thua lỗ, khó khăn trong trả nợ Ngân hàng CSXH hoặc chưa mạnh dạn vay vốn. Một số hộ thuộc đối tượng hưởng thụ nhưng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất ở hoặc một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số đối tượng chuyển đổi nghề do nhu cầu vay của người dân và mục đích chuyển đổi chưa phù hợp, một số người dân đi học nghề chỉ theo học tại các nơi vừa làm vừa học không được cấp chứng chỉ. Định mức cho vay hỗ trợ về nhà ở 40 triệu đồng/hộ còn thấp so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó chính sách có nội dung cho vay để hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị nhưng đối tượng vay là doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vay rất ít ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Cho vay hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý chưa phát sinh cho vay do đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án.

Đồng bào DTTS và miền núi được hỗ trợ bồn chứa nước từ Chương trình MTQG 1719. Ảnh: baodantoc.vn

Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh cần rà soát nhiệm vụ theo phân công, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; các tổ chức ủy thác nâng cao chất lượng hoạt động, giám sát để vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ được giao, phấn đấu sớm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch.

UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, phê duyệt danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề trong dự án 1 thuộc chương trình 1719 và Nghị định 28/2022/NĐ-CP làm cơ sở để Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai cho vay.

Tăng cường trách nhiệm quản lý và phối hợp giữa Ngân hàng CSXH với Ban Dân tộc, các sở, ngành chuyên môn, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội trong công tác vận động tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác thống kê, rà soát, cập nhật các tiêu chí và bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong thực hiện chính sách.

                                                                                                                                                Minh Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều