|
Đoàn giám sát Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát việc triển khai Dự án 1 tại tỉnh Trà Vinh |
Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Dự án 1
Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Tuyên truyền, phổ biến trong đồng bào nội dung triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, đặc biệt là thông tin chi tiết đến về nội dung chính sách, đối tượng hưởng lợi được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt thuộc Dự án 1 của Chương trình. Qua đó, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, nhận thức của đồng bào DTTS tiếp tục nâng lên, đồng bào tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND ngày 25/10/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, mở lớp đào tạo nâng cao năng lực đối với các cán bộ chuyên trách được phân công trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Một số kết quả thực hiện Dự án 1 trong năm 2022 và 2023
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hướng tới mục tiêu hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh Trà Vinh đã chủ động, công khai, minh bạch trong công tác rà soát đối tượng thụ hưởng, tổng hợp nhu cầu đầu tư, và hỗ trợ các hộ gia đình.
Tổng vốn năm 2022 là 42.466 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 42.466 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 27.108 triệu đồng, vốn sự nghiệp 15.358 triệu đồng); Ngân sách tỉnh (năm 2022 tỉnh không phân bổ vốn); Vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội: phân bổ 50.000 triệu đồng.
Tổng vốn năm 2023 là 119.303 triệu đồng, trong đó: Vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang 39.632,640 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 27.028 triệu đồng, vốn sự nghiệp 12.604,640 triệu đồng); Ngân sách Trung ương phân bổ 73.269,360 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 30.593 triệu đồng, vốn sự nghiệp 42.676,360 triệu đồng); Ngân sách tỉnh 6.401 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 4.401 triệu đồng, vốn sự nghiệp 2.000 triệu đồng); Vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội: phân bổ 25.000 triệu đồng. Kết quả giải ngân đến 31/01/2024: Tổng giải ngân 47.424,580 triệu đồng,
Về hỗ trợ đất ở: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đối tượng thụ hưởng của Dự án 1 ra quyết định phê duyệt hộ hưởng lợi năm 2022 có 91 hộ, năm 2023 có 47 hộ thiếu đất ở. Khi triển khai thực hiện chỉ còn 50 hộ vì một số hộ đã được hỗ trợ từ chương trình, dự án khác và thoát nghèo. Số hộ được hỗ trợ tiền để tự ổn định chỗ ở 34/50 hộ với số tiền 1.564 triệu đồng (ngân sách trung ương 1.360 triệu đồng, ngân sách tỉnh 204 triệu đồng).
Về hỗ trợ nhà ở: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đối tượng thụ hưởng của Dự án 1 ra quyết định phê duyệt hộ hưởng lợi năm 2022 có 846 hộ, năm 2023 có 775 hộ cần hỗ trợ xây dựng nhà ở. Số hộ được hỗ trợ nhà ở 737 hộ với số tiền 33.943 triệu đồng (ngân sách trung ương 29.480 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4.463 triệu đồng).
Về hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đối tượng thụ hưởng của Dự án 1 ra quyết định phê duyệt năm 2022 có 824 hộ, năm 2023 có 273 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề. Số hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề 508 hộ với số tiền 5.080 triệu đồng (ngân sách trung ương). Tỉnh không thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất.
Về hỗ trợ nước sinh hoạt: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đối tượng thụ hưởng của Dự án 1 ra quyết định phê duyệt hộ hưởng lợi năm 2022 có 477 hộ, năm 2023 có 150 hộ cần được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Số hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt 418 hộ, với số tiền 1.254 triệu đồng (ngân sách trung ương).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như tiến độ triển khai thực hiện Dự án 1 cũng như tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn là khá chậm, chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Các chính sách có tác động trực tiếp, tác động lớn đến đời sống của đồng bào vùng DTTS như chính sách hỗ trợ về đất ở thì luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tạo quỹ đất để triển khai hỗ trợ; khó thực hiện do giá đất ở cao so với số tiền hỗ trợ của Trung ương là 40 triệu đồng, địa phương đối ứng hỗ trợ không quá 15% và Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho vay không quá 50 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề (thay cho đất sản xuất) thì có định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thấp (không quá 10 triệu đồng/hộ) thật sự chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ thoát nghèo cho đối tượng thụ hưởng; quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hỗ trợ đất ở chưa rõ ràng, cụ thể.
Nhìn chung, cơ chế tổ chức thực hiện đối với Dự án 1 nói riêng và tất cả các Dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN được UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời giải quyết các khó khăn, bất cập phát sinh; cũng như phù hợp với nội dung quy định, điều chỉnh, bổ sung của Trung ương. Các chính sách hỗ trợ có tác động trực tiếp đến đồng bào DTTS, đặc biệt là các nội dung hỗ trợ thuộc Dự án 1 của Chương trình đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh bám sát các văn bản của cấp Trung ương để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời nắm bắt và kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện tại cơ sở; các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại các đơn vị được giám sát đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS tại địa phương.
Bảo Anh