Trùng Khánh (Cao Bằng): Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Là một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 - 2025, Trùng Khánh đang từng bước thay đổi nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình). Với việc triển khai Dự án 1, tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Đời sống đồng bào DTTS ở huyện Trùng Khánh ngày càng được nâng cao (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Theo Kế hoạch số 88/KH-UBND của UBND huyện Trùng Khánh về thực hiện Chương trình, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân 4%/năm trở lên. Dự kiến, hơn 10 km đường giao thông liên xã, đường từ huyện đến trung tâm xã sẽ được rải nhựa hoặc bê tông, và trên 30 km đường liên xóm sẽ được cứng hóa. Bên cạnh đó, huyện phấn đấu tăng ít nhất 1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện phù hợp và đảm bảo hơn 300 hộ đồng bào DTTS được tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tổng mức vốn thực hiện Chương trình trong năm 2024 được giao là 130.161 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 129.861 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 78.787 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 51.074 triệu đồng) và ngân sách địa phương đóng góp 300 triệu đồng.

Đối với Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, huyện Trùng Khánh được phân bổ tổng vốn là 5.499 triệu đồng, bao gồm 3.367 triệu đồng vốn đầu tư và 2.132 triệu đồng vốn sự nghiệp. Trong đó, nội dung hỗ trợ đất ở được phân bổ nguồn vốn 120 triệu đồng để hỗ trợ 3 hộ.

Về nội dung hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, huyện hỗ trợ đất sản xuất cho 13 hộ với nguồn vốn 559 triệu đồng và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 60 hộ với kinh phí 600 triệu đồng.

Về nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt, huyện triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 510 hộ với nguồn vốn 1.532 triệu đồng, đồng thời đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung với nguồn vốn 2.688 triệu đồng.

Theo Nghị quyết số 43/NQ-HĐND của HĐND huyện Trùng Khánh về việc điều chỉnh, bổ sung chi tiết danh mục và mức vốn dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện, nội dung cấp nước sinh hoạt, đất ở, đất sản xuất trong Dự án 1 thuộc Chương trình có những thay đổi quan trọng về vốn. Cụ thể, huyện đã điều chỉnh giảm vốn của 9 dự án đã hoàn thành hết nhiệm vụ chi với tổng số tiền 484,458 triệu đồng và giảm vốn nội dung đất ở, đất sản xuất là 2.000 triệu đồng do không có quỹ đất để triển khai. Đồng thời, số vốn được bổ sung tăng thêm theo Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 8/8/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng là 1.422,87 triệu đồng, và bổ sung vốn cho 3 dự án cấp nước sinh hoạt với tổng số tiền là 3.907,328 triệu đồng.

Thực hiện các nội dung thuộc Dự án 1 được UBND huyện giao cho Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND các xã, thị trấn, đảm nhiệm việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất, lập hồ sơ giao đất, kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả. Hoạt động này tuân thủ theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, trong đó Phòng Dân tộc giữ vai trò tham mưu và phối hợp chỉ đạo thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất, đồng thời hướng dẫn việc chuyển đổi nghề. UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm rà soát và đăng ký nhu cầu sử dụng đất đảm bảo phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Việc tổ chức thực hiện các công trình nước sinh hoạt tập trung được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Dân tộc tham mưu triển khai. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán dựa trên Quyết định giao vốn năm 2024. Các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện đúng quy định.

Trong 2 năm (2023 – 2024), với nguồn vốn được phân bổ gần 400 tỷ đồng, huyện đầu tư thực hiện các dự án, tiểu dự án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với nguồn vốn được đầu tư, huyện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 430 hộ, đầu tư 12 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Việc nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được huyện quan tâm đầu tư, theo đó, tính tới nay, huyện đã đầu tư 102 công trình trong tiểu dự án (48 công trình chuyển tiếp, 26 công trình khởi công mới, 28 công trình chuẩn bị đầu tư), trong đó, 1 công trình nước sinh hoạt, 87 công trình đường, 7 công trình mương thủy lợi, 1 công trình chợ xã, 4 công trình trạm y tế xã, 2 nhà văn hóa xóm, sân thể thao. Triển khai 4 chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò sinh sản và tiêu thụ bò thương phẩm tại các xã: Quang Trung, Lăng Hiếu, Ngọc Côn, Phong Nặm, Phong Châu, Đàm Thủy với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách 5,5 tỷ đồng. 

Ngoài ra, huyện dành nguồn vốn tập trung thực hiện phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triến du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức thực hiện đề án tổng thể và chương trình mục tiêu quốc gia...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song việc triển khai Chương trình, đặc biệt Dự án 1 tại huyện Trùng Khánh vấn còn không ít khó khăn, thách thức. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình còn chậm ban hành, nội dung thiếu cụ thể, dẫn đến lúng túng tại cơ sở. Năng lực chủ đầu tư ở một số xã còn hạn chế, trong khi cấp ủy và chính quyền địa phương tại một số nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò và ý nghĩa của Chương trình, thiếu sự chủ động và sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất sản xuất và sinh kế ổn định vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trước thực trạng này, huyện đã đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy hiệu quả của Chương trình trong thời gian tới. Trọng tâm là huy động sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc và toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện các dự án. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao ý thức tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc lồng ghép các chương trình, dự án nhằm tối ưu hóa nguồn lực cũng sẽ được thực hiện, đồng thời tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt và cơ sở giáo dục, y tế.

Hải Phương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều