Lê Quang Đạo - Người cộng sản kiên cường, mẫu mực

(Mặt trận) - Đồng chí Lê Quang Đạo sinh năm 1921, trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 16 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động yêu nước tại địa phương và ở trường Trung học tư thục Thăng Long (Hà Nội). Tháng 8/1940, được kết nạp vào Đảng, đến giữa năm 1941, đồng chí thoát ly gia đình bắt đầu cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp rồi trở thành Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Năm 1942, đồng chí là Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Ủy viên Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1943, là Bí thư Ban cán sự Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa (19/8/1945) ở Hà Nội.
Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) tại Mặt trận Quảng Trị (năm 1972). Ảnh: TL

1. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí tham gia tái lập Thành uỷ Hải Phòng và trở thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng (tháng 10 đến tháng 6/1946); sau đó, được điều về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và từ tháng 12/1946 đến cuối năm 1947, đồng chí là Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (khu XI) lãnh đạo tổ chức các hoạt động kháng chiến trong lòng địch. Tháng 11/1947, đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó trở thành Bí thư Liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông (1948) rồi Phó ban Tuyên truyền Trung ương Đảng  (1949-1950).

Từ năm 1950, đồng chí được Đảng điều động vào quân đội, giữ nhiều trọng trách: Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trực tiếp tham gia chỉ huy các chiến dịch quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. “Đồng chí đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”1. Do vậy, đến năm 1958 đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng, năm 1974 được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Với năng lực, uy tín và cống hiến của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam, năm 1960 đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Năm 1972 trở thành Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, đồng chí đã được tiếp tục bầu là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI và giữ trọng trách Bí thư Trung ương Đảng các khóa IV, V. Đồng chí đã đảm trách nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước, như Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; đến năm 1987, đồng chí được bầu là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam (1987-1992). Từ năm 1994 cho đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng (1999), đồng chí đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trải qua thử thách khốc liệt trước Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến và trước những cam go của cuộc cách mạng XHCN, đồng chí Lê Quang Đạo đã suốt đời phấn đấu cho lí tưởng của Đảng. Trên lĩnh vực nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc và trở thành nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Là người tổ chức hiện thực hoá những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến hay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trên các cương vị của mình, đồng chí Lê Quang Đạo không chỉ thể hiện tài năng tổ chức của một nhà lãnh đạo mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về lí luận và để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý giá.

Không phải ngẫu nhiên, trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, dù là khi hoạt động bí mật, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, hay trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng nước ta cũng như trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, cam go, vô cùng ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta1 tin tưởng giao cho đồng chí Lê Quang Đạo nhiều trọng trách đòi hỏi cao độ trí, dũng, sự kiên định cách mạng và đức hy sinh của người chiến sĩ cộng sản như vậy. Khó khăn của việc xây dựng căn cứ cách mạng, an toàn khu, chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa ở Hà Nội tr­ước Cách mạng Tháng Tám và việc phục hồi hoạt động của Đảng bộ thành phố Hải Phòng cũng như sự có mặt của đồng chí với tư cách người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Hà Nội trước và sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đã khẳng định sự kiên trung, năng lực tổ chức và chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Lê Quang Đạo trong thực thi các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Quan điểm đồng chí Lê Quang Đạo về hoạt động chống lại kẻ thù ngay trong hậu phương của chúng thực sự là những bài học quý giá mà đồng chí đã tổng kết từ hoạt động thực tiễn, bước đầu biểu thị năng lực toàn diện cả trong tổ chức lãnh đạo và công tác lý luận của đồng chí Lê Quang Đạo. 

Hiện diện và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi quân sự của các chiến dịch lớn tạo ra những bước phát triển có tính chất quyết định về quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, suốt 28 năm trong áo lính Cụ Hồ, với vai trò của người lãnh đạo công tác chính trị trong quân đội, đồng chí đã góp phần lãnh đạo thúc đẩy và khẳng định trong thực tiễn vai trò quyết định của con người trong chiến tranh chính nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm 1962, tổng kết từ thực tiễn của cuộc kháng chiến, đồng chí đã đề xuất các quan điểm về mối quan hệ và nội dung của công tác tư tưởng và công tác tổ chức trong quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại”2.

Năm 1974, đồng chí Lê Quang Đạo lại nêu lên những quan điểm có ý nghĩa lý luận để “giải quyết tốt mấy vấn đề công tác chính trị hiện nay trong việc đẩy mạnh xây dựng quân đội lên chính quy, hiện đại”3, nhằm thực hiện tốt chế độ lãnh đạo của Đảng và chế độ chỉ huy trong quân đội; làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao ý chí chiến đấu và hiện đại hóa quân đội cũng như quán triệt các quan điểm của Đảng về đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân, về xây dựng đội ngũ cán bộ và đơn vị cơ sở, về công tác chính trị, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong quân đội. Những quan điểm thấm đậm tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại, không những có ý nghĩa góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang năm 1975 mà còn có giá trị thực tiễn trong xây dựng quân đội ta hiện nay.   

Trong những năm đầu thập kỷ thứ tám của thế kỷ XX, đất nước ta đã lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Là Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, đồng chí đã đi sâu nghiên cứu và nhận thức rõ những khó khăn, yếu kém của công tác khoa giáo, nhất là công tác giáo dục chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin trong hệ thống giáo dục ở nước ta để góp phần đề xuất với Bộ Chính trị về “Một số vấn đề cấp bách của công tác giáo dục”4 (1983). Những quan điểm của đồng chí về việc tìm cách “tạo ra sự chuyển biến thực sự trong việc nâng cao chất lượng nhằm hình thành nhân cách xã hội chủ nghĩa, trước hết là nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và trong đông đảo học sinh phổ thống” vì “mục tiêu cơ bản  nhất của giáo dục là phải đào tạo nên những con người xã hội chủ nghĩa”; về việc “phải làm cho hệ thống giáo dục phục vụ tích cực những mục tiêu kinh tế-xã hội trước mắt và lâu dài đáp ứng yêu cầu phân công lao động xã hội và nhiệm vụ Tổ quốc”; về việc “phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lí của chính quyền các cấp kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể... phát huy quyền chủ động của địa phương, của cơ sở, thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục...”5, thể hiện tầm nhìn chiến lược của đồng chí Lê Quang Đạo mà ngày nay những nội dung này vẫn có giá trị thực tiễn sâu sắc.            

 Khi cả nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng và nhân dân tín nhiệm trao trọng trách tổ chức triển khai đổi mới các hoạt động của Nhà nước nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng cũng như sự lãnh đạo của Đảng bằng Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn trước những biến đổi nhanh chóng, bất lợi của tình hình thế giới đối với nước ta vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỉ XX, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Trong lĩnh vực hoạt động phức tạp và ở thời điểm khó khăn này, Đảng ta khẳng định những cống hiến của đồng chí Lê Quang Đạo “đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc và toàn diện về tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, nhất là đẩy mạnh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước”6. Góp phần chỉ đạo xây dựng và lãnh đạo thông qua Hiến pháp năm 1992, nhiều bộ luật và pháp lệnh mới cũng như việc Quốc hội đã quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước trong giai đoạn mở đầu triển khai sự nghiệp đổi mới đầy khó khăn, phức tạp đã cho thấy những cống hiến to lớn của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN ở nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cả về lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn theo tư tưởng  Hồ Chí Minh.

Trong nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo luôn thấm nhuần những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Đồng chí đã chủ trì giúp Trung ương Đảng xây dựng Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới, một nghị quyết tạo ra bước ngoặt cho đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước”7. Nghị quyết này có tính định hướng cho sự ra đời của Luật Quốc tịch và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này, thực hiện trên thực tế “mục tiêu của mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân là lấy đại nghĩa của dân tộc làm trọng, cùng nhau phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” với nội dung “phải được thể hiện trên mọi lĩnh vực, thông qua các hình thức tập hợp đa dạng theo luật pháp, chính sách của Nhà nước, phát triển nhiều phong trào hành động từ thấp đến cao, sáng tạo nhiều hình thức hoạt động phù hợp với từng thành phần xã hội, từng lứa tuổi, từng địa phương”8. Là Trưởng Ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được Quốc hội thông qua, đồng chí góp phần to lớn vào việc “nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối liên hệ mật thiết của nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân, một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”9.

 Những cống hiến của đồng chí Lê Quang Đạo là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta cả trong thực tiễn và lý luận là hết sức quý báu và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Hơn sáu thập kỷ hoạt động và trưởng thành cùng với thắng lợi của cách mạng, từ người đảng viên bình thường đến các trọng trách là người đứng đầu cơ quan lập pháp của Nhà nước và của Mặt trận dân tộc thống nhất, trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng thông qua việc tổ chức thể chế hóa đường lối đó trong hoạt động của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không chỉ dành cho đồng chí Lê Quang Đạo sự “kính trọng phẩm chất chính trị và tài trí” của “người cộng sản kiên cường mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính” mà còn là sự tin cậy đối với một nhà lãnh đạo “có uy tín, kiên nghị mà gần gũi thân thương” - với đầy đủ những phẩm chất xứng đáng là một “học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”10 như Đảng ta đã đánh giá.

PGS.TS Phạm Hồng Chương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn tham khảo:

1, 6, 7, 9, 10. Lời điếu do Chủ tịch Nông Đức Mạnh đọc lại Lễ truy điệu đồng chí Lê Quang Đạo, báo Nhân dân, ngày 28/7/1999.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2002, T.9, tr. 272.

3, 4, 5, 8. Lê Quang Đạo: Tuyển tập, Nxb. CTQG, H. 2009, tr. 213, 361, 370-372, 731.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều