Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công

(Mặt trận) - Chiều 25/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức gặp mặt đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, thương bệnh binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham dự cuộc gặp mặt.

Tham dự cuộc gặp mặt còn có Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội Nguyễn Duy Hoàng, cùng 150 đại biểu là các Mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia tham dự chuyến hành trình “Trở lại chiến trường xưa - Tri ân đồng đội". 

 Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh, thương bệnh binh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội cho biết, ban tổ chức đã đưa đoàn đại biểu là các cựu chiến binh, thương bệnh binh tiêu biểu toàn quốc, trong đó có các cựu chiến binh đã từng tham gia quân tình nguyện tại chiến trường Campuchia tham dự chuyến hành trình “Trở lại chiến trường xưa - Tri ân đồng đội, một hành trình 15 điểm đến” tại: Hà Nội - Nhà tù Phú Quốc - Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia)… Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn đã dâng hương báo công tại Khu di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang; trao 50 suất quà tặng các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương; tặng quà tới gia đình 12 liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma tại tỉnh Thái Bình... nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những công lao to lớn của thế hệ cha anh, những anh hùng liệt sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân và một phần xương máu của mình để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 “Đây là dịp để đoàn đại biểu cựu chiến binh Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, một hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng tốt đẹp. Trong chuyến đi này, đoàn cũng đã trực tiếp trao tặng 100 triệu đồng ủng hộ nhân dân Campuchia có hoàn cảnh khó khăn”, ông Hoàng thông tin.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi gặp mặt.

Chia sẻ những kỉ niệm về một thời hào hùng của dân tộc, bà Nguyễn Thị Thái, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian đã lùi xa, khổ đau đã là quá khứ nhưng trong sâu thẳm kí ức của mỗi cựu chiến binh vẫn vẹn nguyên những kỉ niệm về tình quân dân, tình đồng đội, về những ngày tháng vào sinh ra tử để giữ trọn lời thề giữ nước, để lấy đó là niềm tự hào, là động lực để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

“Rời tay súng trở về đời thường, những cựu chiến binh Trường Sơn vẫn tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm đối với dân tộc. Giữ vững tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng kinh tế gia đình, kinh tế địa phương… Với tâm niệm đó, các thành viên trong Hội luôn đẩy mạnh các hoạt động, tạo cơ hội để các thành viên tăng cường giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh và tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội tại địa phương”, bà Thái thông tin.

Là thương binh 4/4 và là Ủy viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ Cựu chiến binh tại Ba Lan, ông Nguyễn Văn Thật cho biết, câu lạc bộ được thành lập hơn 10 năm nay, đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết những cựu chiến binh tại Ba Lan để mỗi cựu chiến binh cùng xây dựng, tương hỗ lẫn nhau trong cuộc sống; đồng thời với những hoạt động thiết thực của mình, Câu lạc bộ Cựu chiến binh đã cùng nhau động viên gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam và những người chiến sĩ bám biển bảo vệ quê hương.

“Tham gia hành trình “Trở lại chiến trường xưa - Tri ân đồng đội", từ chiến trường Campuchia đến những mảnh đất hào hùng trên đất nước Việt Nam là dịp để mỗi người đồng đội gặp lại nhau và cùng nhau ôn lại một thời hoa lửa, đồng thời tri ân tới những đồng đội đã cống hiến xương máu của mình cho độc lập, tự do của đất nước ngày hôm nay”, ông Thật chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thật mong muốn trong thời gian tới, những người con đất Việt tại Ba Lan sẽ nhận được những kênh thông đầy đủ về kinh tế, xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, để mỗi người cựu chiến binh tại Ba Lan tiếp tục tuyên truyền với lớp trẻ hiện nay tinh thần kiên cường của mỗi người Việt Nam trong kháng chiến cũng như trong thời bình để mang những kiến thức đã học tại Ba Lan về Việt Nam cùng xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bày tỏ niềm xúc động khi được tham dự buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương bệnh binh, cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang, mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng. “Cuộc gặp mặt là dịp để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tri ân tới các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương bệnh binh, cựu chiến binh, gia đình có công trên toàn quốc”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương - bệnh binh, cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang, mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, hoạt động tích cực, đúng hướng và có hiệu quả cao. Hội đã chú trọng và hoàn hành tốt công tác chăm lo, hỗ trợ nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và con, em các đồng chí đã vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội. Đồng thời Hội đã nghiêm túc thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh của đất nước.

“Trở lại cuộc sống đời thường, các thương bệnh binh, cựu chiến binh tiếp tục nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, phát huy phẩm chất của những người lính Cụ Hồ đã được rèn luyện, hun đúc trong quân ngũ. “Tàn nhưng không phế” đó là khẩu hiệu, là truyền thống đáng tự hào của các thương bệnh binh Việt Nam và chính những thương bệnh binh đã hiện thực hóa khẩu hiệu đó bằng nghị lực, ý chí và sức sáng tạo của mình. Đã có nhiều tấm gương cựu chiến binh, thương bệnh binh vươn lên thoát nghèo, làm giàu và ngày càng được nhân rộng trên khắp mọi miền Tổ quốc”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho các cựu chiến binh, thương bệnh binh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng với các nội dung, nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong đó, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng… Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót người có công.

 “Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ sở đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thực hiện tốt chính sách giám sát người có công với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng. Đồng thời, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội thường xuyên quan tâm, động viên cán bộ, hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình hội viên, hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo mà Hội đã đề ra.

 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chụp ảnh cùng cựu chiến binh, thương bệnh binh.

Các Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, thương bệnh binh tại buổi gặp mặt.

Với tình cảm chân thành, quý trọng và niềm tin tưởng sâu sắc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng các cựu chiến binh, thương bệnh binh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao tặng: “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.

Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều