|
Tỉnh Bình Phước nỗ lực nâng cao đời sống đồng bào DTTS (Ảnh: Dân tộc và Phát triển) |
Ngày 23/4/2024, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2024. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, lồng ghép các nguồn lực để hoàn thành tốt các nội dung và nhiệm vụ đã đề ra. Trong năm 2024, tỉnh Bình Phước phấn đấu giải quyết đất ở cho 10 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 124 hộ, bao gồm xây dựng mới nhà ở cho 99 hộ và sửa chữa nhà cho 25 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 91 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 57 hộ, đồng thời xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đối tượng thụ hưởng của Dự án 1 là các hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng với các hộ nghèo dân tộc Kinh tại xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Định mức hỗ trợ đất ở là 46 triệu đồng/hộ, trong đó bao gồm 40 triệu đồng từ ngân sách trung ương (NSTW) nguồn vốn đầu tư phát triển (ĐTPT), và 6 triệu đồng vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, huyện (15%). Đối với xây dựng nhà ở mới, mức hỗ trợ là 86 triệu đồng/hộ, bao gồm 40 triệu đồng từ NSTW (nguồn vốn ĐTPT), 6 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, huyện (15%), và thêm 40 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Về sửa chữa nhà ở, mức hỗ trợ là 23 triệu đồng/hộ, trong đó NSTW (nguồn vốn ĐTPT) hỗ trợ 20 triệu đồng và 3 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, huyện (15%). Đối với hỗ trợ chuyển đổi nghề, mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/hộ, bao gồm 8,7 triệu đồng từ NSTW (nguồn vốn sự nghiệp) và 1,3 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, huyện (15%). Định mức hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán là 3 triệu đồng/hộ, trong đó NSTW (nguồn vốn sự nghiệp) hỗ trợ 2,6 triệu đồng và 0,4 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, huyện (15%). Ngoài ra, ngân sách Trung ương hỗ trợ bình quân 3.000 triệu đồng cho mỗi công trình nước sinh hoạt tập trung, với vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, huyện là 450 triệu đồng (15%).
Ngày 9/5/2024, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 784/QĐ-UBND về việc giao chi tiết kế hoạch vốn Chương trình năm 2024. Tổng số vốn được phân bổ là 207.432 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 188.432 triệu đồng và vốn ngân sách tỉnh (NST) là 19.000 triệu đồng. Đối với Dự án 1, nguồn NSTW là 12.176 triệu đồng và nguồn NST là 1.218 triệu đồng. Các địa phương được phân bổ gồm: huyện Bù Đốp nhận 120 triệu đồng NSTW và 12 triệu đồng NST; huyện Bù Đăng nhận 3.500 triệu đồng NSTW và 350 triệu đồng NST; huyện Bù Gia Mập nhận 620 triệu đồng NSTW và 62 triệu đồng NST; huyện Đồng Phú nhận 3.160 triệu đồng NSTW và 316 triệu đồng NST; huyện Hớn Quản nhận 560 triệu đồng NSTW và 56 triệu đồng NST; huyện Phú Riềng nhận 3.140 triệu đồng NSTW và 314 triệu đồng NST; huyện Lộc Ninh nhận 1.076 triệu đồng NSTW và 108 triệu đồng NST.
Để thực hiện thành công Dự án 1 thuộc Chương trình, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tiến độ hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Sở Xây dựng đảm nhận việc thẩm định và giám sát xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề, giúp người dân cải thiện sinh kế và thoát nghèo bền vững.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Dự án 1. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) không chỉ đảm bảo sự kết nối giữa chính quyền và nhân dân mà còn tham gia tích cực trong việc giám sát và đánh giá quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, MTTQ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia vào các hoạt động của dự án, từ việc đăng ký nhận hỗ trợ đến tham gia vào các khóa đào tạo chuyển đổi nghề.
Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh cũng góp phần huy động nguồn lực từ cộng đồng và các tổ chức xã hội để bổ sung cho ngân sách hỗ trợ, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án. Qua đó, Mặt trận sẽ thực hiện vai trò giám sát, đảm bảo rằng các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, công khai và minh bạch, đồng thời phản ánh ý kiến và nguyện vọng của người dân trong quá trình thực hiện dự án, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước về kết quả thực hiện Chương trình đến tháng 6 năm 2024, Dự án 1 đã hỗ trợ đất ở cho 55 hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo dân tộc Kinh; hỗ trợ nhà ở cho 834 hộ; tổng số hộ DTTS nghèo và hộ nghèo dân tộc Kinh không có hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ trực tiếp hoặc chuyển đổi nghề là 1.218 hộ, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, tổng số hộ DTTS nghèo và hộ nghèo dân tộc Kinh được hỗ trợ nước sinh hoạt là 405 hộ, và 18 công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư.
Tính riêng năm 2022, tỷ lệ giải ngân Dự án 1 đạt 61,75%, và trong năm 2023 là 69,66%. Hiện tại, nguồn vốn sự nghiệp năm 2024 chưa được phân bổ là 52.585 triệu đồng, trong đó Dự án 1 là 16.210 triệu đồng. Để hoàn trả ngân sách tỉnh cho Dự án 1, Ban Dân tộc sẽ phối hợp tham mưu cụ thể số tiền 750 triệu đồng, đồng thời tiếp tục tham mưu phân bổ thêm 15.425 triệu đồng cho Dự án 1.
Tuy nhiên, việc phân bổ vốn cho Dự án 1 gặp khó khăn do số hộ nghèo DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn rất ít. Điều này làm khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và chuyển đổi nghề. Do đó, cần chuyển nguồn vốn theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội sang các dự án khác.
Khó khăn và hạn chế của Chương trình chủ yếu liên quan đến đối tượng và địa bàn thụ hưởng. Mặc dù việc rà soát và xây dựng kế hoạch đăng ký nhu cầu với Trung ương đã bắt đầu từ đầu năm 2020, nhưng đến gần cuối năm 2022, các đơn vị và địa phương mới nhận được vốn. Điều này dẫn đến một số đối tượng đã thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh, và một số xã đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, khiến số đối tượng và địa bàn thực hiện Chương trình giảm so với kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, Dự án 1 gặp khó khăn do định mức hỗ trợ thấp hơn so với Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh. Chẳng hạn, mức hỗ trợ xây dựng nhà ở chỉ 40 triệu đồng/căn, trong khi tỉnh thực hiện là 86 triệu đồng/căn; hỗ trợ sửa chữa nhà ở 20 triệu đồng/căn, trong khi tỉnh thực hiện 30 triệu đồng/căn; và hỗ trợ chuyển đổi nghề chỉ 10 triệu đồng/hộ.
Thời gian triển khai kéo dài dẫn đến nhiều thông tin và số liệu không còn phù hợp, đặc biệt là thông tin liên quan đến hộ nghèo và hộ cận nghèo, làm thay đổi nhu cầu đầu tư theo đối tượng, nội dung và địa bàn tại thời điểm triển khai.
Hồng Nhung