Bình Thuận: Tháo gỡ khó khăn để bứt tốc đẩy nhanh tiến độ Dự án 1

(Mặt trận) - Những năm qua, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số  và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình), đặc biệt là Dự án 1, với sự nỗ lực của chính quyền cơ sở cùng sự đồng thuận từ người dân, nhiều địa phương ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận đang từng bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi.

Diện mạo huyện Tánh Linh thay đổi nhờ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc (Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn)

Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, với 24.187 hộ (101.733 nhân khẩu) là đồng bào DTTS; chiếm trên 8% dân số của tỉnh. Giai đoạn 2022 - 2024, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện Chương trình là hơn 427.547 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 370.480 triệu đồng; ngân sách tỉnh đối ứng là 57.067 triệu đồng).

Tính đến ngày 31/8/2024, tỉnh đã giải ngân được 233.589 triệu đồng, đạt 54,6% kế hoạch (ngân sách trung ương giải ngân được 217.684 triệu đồng, đạt 58,8%; ngân sách tỉnh đối ứng giải ngân được 15.905 triệu đồng, đạt 27,9%). Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là 46,8 triệu đồng người/năm, tại 17 xã thuần đồng bào DTTS là 43,6 triệu đồng người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm 3,05% (tương đương 764 hộ). Tỷ lệ hộ cận nghèo vùng đồng DTTS giảm 2,13% (tương đương 514 hộ). Kết quả thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình, tỉnh đã giải ngân được trên 55,8 tỷ đồng cho 776 hộ đồng bào DTTS nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở (đối với các hộ dân vay vốn làm nhà ở, mỗi hộ được vay 40 triệu đồng; đối với hộ vay sản xuất kinh doanh, trung bình mỗi hộ được vay hơn 80 triệu đồng). Từ nguồn vốn Chương trình, các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động tổ chức và huy động nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tập trung triển khai Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề đối với đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó giúp cho các hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn của huyện có được đất ở, xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định dân cư, tạo việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, cuộc sống ngày càng ấm no, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Huyện Tánh Linh (là huyện đi tiên phong của tỉnh bắt tay vào thực hiện mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà ở trong Chương trình và là huyện được chọn để thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn) có 3.655 hộ đồng bào DTTS, chiếm 12,71% dân số toàn huyện. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn là 1.092 hộ, hộ cận nghèo là 1.265 hộ (trong đó, hộ nghèo DTTS là 516 hộ chiếm 47,25%; hộ cận nghèo DTTS là 726 hộ, chiếm 20,43%). Năm 2022, với vốn đầu tư phát triển 2,966 tỷ đồng, huyện đã giải ngân 2,966 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 74 hộ; vốn sự nghiệp 656 triệu đồng, huyện đã giải ngân 380 triệu đồng để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 44 hộ.

Giai đoạn 2022 - 2024, tổng kế hoạch vốn Chương trình là hơn 89 tỷ đồng, huyện đã giải ngân được hơn 61 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,5%. Trong đó, đối với vốn sự nghiệp, địa phương giải ngân được 15,4/26,3 tỷ đồng, đạt 58,71%; vốn đầu tư giải ngân 45,2/62,7 tỷ đồng, đạt 72,61%. Với kinh phí được phân bổ, đến nay huyện đã có hàng chục hộ dân được hỗ trợ tiền làm nhà, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển sản xuất.

Huyện Hàm Thuận Bắc có 4.284 hộ đồng bào DTTS, chiếm 9,1% dân số toàn huyện. Từ năm 2022 đến nay, thực hiện Dự án 1 đã có 90 hộ được phê duyệt hỗ trợ đất ở với tổng vốn 4,262 tỷ đồng và đã giải ngân 2,32 tỷ đồng; 153 hộ được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở với tổng vốn 7,82 tỷ đồng và đã giải ngân 3,92 tỷ đồng; 298 hộ được phê duyệt hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề với tổng vốn 3,364 tỷ đồng và đã giải ngân 176 triệu đồng; 58 hộ được phê duyệt hỗ trợ nước sinh hoạt với tổng vốn 174 triệu đồng và đã giải ngân 72 triệu đồng. Hiện nay, từ nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của Nhà nước, huyện đang tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai dự án hệ thống nước sạch tại huyện với công suất 10.000 m3/ngày-đêm, cung cấp nước cho đồng bào DTTS và người dân tại xã Thuận Hòa, với tổng kinh phí hơn 162 tỷ đồng bằng vốn (ODA) hỗ trợ của Chính phủ nước Cộng hòa Italia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình như: nguồn vốn sự nghiệp trung ương phân bổ trong năm 2022 chi tiết đến từng lĩnh vực và từng dự án cụ thể, dẫn đến không thể chủ động, linh hoạt trong việc ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các dự án trọng điểm; đối tượng thụ hưởng dự án hạn chế; nội dung hỗ trợ đất sản xuất khó triển khai vì địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ, phải chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề; thủ tục về đất đai, quy định yêu cầu phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được vay vốn, nhưng đối với đồng bào ở đây thì rất khó; với số tiền 40 triệu đồng/hộ để hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định thì không đủ tiền, các hộ nghèo không có tiền bổ sung thêm; số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp 10 triệu đồng mỗi người còn thấp...

Trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đặt quyết tâm sẽ giải ngân 100% vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài đến nay, riêng với nguồn vốn năm 2024, địa phương cố gắng giải ngân đạt 95% (đối với một số tiểu dự án, dự án có tiến độ giải ngân chậm, địa phương sẽ tìm cách tháo gỡ để tăng tốc triển khai); tiếp tục rà soát kỹ từng nội dung, dự án đã được giao vốn để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; rà soát kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương thực hiện Dự án để đề xuất giải quyết quỹ đất cho người dân theo đúng qui định của pháp luật; có giải pháp hiệu quả để giúp người dân thụ hưởng nước sinh hoạt lâu bền; đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát để đối chiếu xem việc thụ hưởng Dự án có đúng mục đích và đối tượng, trên cơ sở đó đánh giá những kết quả đạt được, nắm bắt những tồn tại, vướng mắc để tìm giải pháp khắc phục kịp thời; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán của đồng bào nhằm góp phần nâng cao nguồn nhân lực tại địa phương...

Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều