Các dân tộc tỉnh Bắc Giang đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh

(Mặt trận) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của các cấp chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang quyết tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững; đặc biệt đối với việc thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2021 - 2025).

Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên là 389.589 ha, dân số toàn tỉnh khoảng 2 triệu người, gồm 45 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó có 6 dân tộc tập trung đông nhất (Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao và Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chí). Đồng bào các dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở các huyện (Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn và một số xã thuộc các huyện Tân Yên, Lạng Giang…). Đây là vùng đất cổ, có bề dày hình thành và phát triển cùng lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, Bắc Giang luôn giữ vai trò phên dậu của thành Đông Đô, Thăng Long trong các cuộc đấu tranh chống giặc phương Bắc xâm lược.

Bắc Giang có thế mạnh ba vùng: rừng núi, trung du và đồng bằng; điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và quan hệ giao thương, buôn bán; cư dân sống đan xen giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào dân tộc miền núi, giữa đồng bào Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số thành một cộng đồng hòa quyện và thống nhất, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng. Đồng bào các dân tộc của tỉnh có tinh thần yêu nước sâu sắc, hiếu học, cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, đoàn kết yêu thương nhau xây dựng một cộng đồng thống nhất.

Kết quả đạt được của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang thời gian qua

Cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ du lịch, thương mại. Đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tự làm hoặc được hỗ trợ xây dựng nhà ở chắc chắn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được củng cố, tăng cường.

Giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư phát triển: 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, các trường trung học phổ thông được thành lập thêm và bố trí hợp lý, thu hút gần 100% số cháu trong độ tuổi ra lớp, đã hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Toàn tỉnh có 5 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, trong đó có 3 trường có cấp học trung học phổ thông. Các trường bán trú dân nuôi được thành lập tạo điều kiện thuận lợi cho việc ăn ở và học tập của các học sinh các dân tộc trong vùng. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, các hoạt động kết nối cung - cầu lao động đã góp phần giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ tạo việc làm của tỉnh cũng đã có tác động tích cực đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuộc vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc có chuyển biến tiến bộ. 100% đồng bào các xã thuộc vùng khó khăn, đối tượng chính sách được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, gần 100% trạm y tế các xã vùng đồng bào dân tộc và miền núi của tỉnh có bác sĩ, y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 100% các xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong đó có trên 50% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Công tác bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm, nhiều lễ hội văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào được khôi phục, giữ gìn và phát triển, như các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số (Nùng, Tày, Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chí, Dao, Hoa; các lễ hội gắn với sản xuất…; các câu lạc bộ dân ca dân tộc thiểu số được khôi phục ở 4 huyện miền núi (Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn); các chương trình “Bảo tồn văn hóa phi vật thể hát Then tỉnh Bắc Giang”, “Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang”… được triển khai thực hiện. Các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa xã, thôn bản, trạm phát thanh - truyền thanh cơ sở, đài tiếp sóng vùng lõm… được củng cố đã góp phần nâng cao hưởng thụ văn hóa, thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Ảnh minh họa - UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi lần thứ nhất, năm 2023 (Nguồn cổng thông tin điện tử tỉnh

Hệ thống chính trị các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên được quan tâm củng cố vững chắc. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng và chất lượng; nhiều huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số. 100% các thôn bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tổ chức Đảng. Mặt trận và các hội, đoàn thể nhân dân các cấp tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không dao động trước những biến động của tình hình trong nước và quốc tế.

Sau khi tỉnh có quyết định phân bổ kinh phí, căn cứ theo Luật Đầu tư công và chủ trương phân cấp quản lý, huyện giao phần lớn dự án cho các xã làm chủ đầu tư, một số giao cho các cơ quan, đơn vị cấp huyện. Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư cam kết trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, rõ người, rõ việc, bảo đảm tiến độ thực hiện, tuân thủ đúng quy định, không để lãng phí nguồn lực hỗ trợ. Yêu cầu cán bộ bám sát văn bản hướng dẫn, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch khi thực thi nhiệm vụ.

Trong 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn các huyện của tỉnh Bắc Giang có nhiều hộ được chuyển đổi nghề, đồng bào được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và xây nhà ở… Nhờ chủ động trong triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, người dân từng địa phương được chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với đặc thù canh tác. Đồng thời, ở nhiều địa phương, tại các xã, thôn triển khai dự án đều thành lập các ban, tổ công tác chịu trách nhiệm triển khai, tổ chức, giám sát việc thực hiện. Xã thông báo rõ định mức kỹ thuật đối với từng loại máy móc, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi…

Tình hình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Có được những thành tựu trên phải kể đến hiệu quả của các chương trình, dự án, đề án, chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135); Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 18/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chính sách được triển khai tốt, kịp thời động viên và phát huy vai trò của người có uy tín tuyên truyền, vận động đồng bào trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…);

Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững (Nghị quyết số 30a); Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổng thể các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025) đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan. Trong bối cảnh vừa triển khai thực hiện, vừa hoàn thiện cơ chế chính sách song toàn tỉnh đã triển khai 10/10 dự án thành phần, bao phủ khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội từ đất đai, nhà ở, nước sinh hoạt, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu đến giáo dục đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chuyển đổi số cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Bên cạnh đó, Bắc Giang là tỉnh tiên phong trong cả nước ban hành 2 hướng dẫn liên ngành về thực hiện Nội dung số 01, Tiểu dự án 2, Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2021 - 2025).

Theo báo cáo, hiện Bắc Giang có 73 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 28 xã, 244 thôn đặc biệt khó khăn. Chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh với 10 dự án. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh được giao nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 1.616 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh được giao nguồn vốn thực hiện Chương trình trên 734 tỷ đồng, theo đó, ngày 20/1/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2024. Theo đó, đề ra mục tiêu tổng quát là tập trung xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số và hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.

Để khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả chính sách, ngày 6/2/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT- UBND về tăng cường chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến ngày 30/6/2024, tỉnh đã thực hiện giải ngân trên 155 tỷ đồng, cụ thể tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 46 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 322 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 7 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 88 công trình hạ tầng thiết yếu như công trình đường giao thông, thủy lợi, trạm y tế, chợ… phục vụ cho sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.

Đến nay, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện theo hình thức “cầm tay chỉ việc” và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, giúp các địa phương tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án. Nhiều dự án, nội dung có khối lượng thực hiện lớn được bàn giao, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Qua chương trình và các chính sách khác đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, tỷ lệ hộ nghèo tại 73 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến nay còn 5,66%, tỷ lệ hộ nghèo tại 28 xã đặc biệt khó khăn năm 2023 còn 12,16%.

Theo kế hoạch, trong năm 2024 và đến hết giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được giao. Để triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước…

Có thể nói, việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã vào cuộc tích cực, 10/10 dự án thành phần đều triển khai hiệu quả. Ngoài nguồn vốn do Trung ương, tỉnh phân bổ, các địa phương còn quan tâm bố trí nguồn lực đối ứng, huy động tinh thần trách nhiệm, nội lực trong cộng đồng dân cư. Đến hết năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 12,5 nghìn hộ (2,63%), hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ (3,4%). Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 4,64%. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở làm chủ đầu tư các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Cách làm này có nhiều thuận lợi song cần nâng cao hoạt động kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực, vi phạm quy định pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phân cấp ở một số địa phương vẫn gặp khó khăn, vướng mắc… Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang rút ra một số vấn đề cần quan tâm như:

(1) Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ngành, đơn vị, xác định rõ công tác dân tộc là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan, cán bộ làm công tác dân tộc;

(2) Tập trung quán triệt và tuyên truyền về cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách sâu rộng, bài bản. Thực hiện tốt công tác vận động, khơi dậy truyền thống cần cù, sáng tạo của mỗi dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên, khắc phục tư tưởng tự ty, trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước;

(3) Thực hiện tốt quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; kịp thời biểu dương, khen thưởng những ngành, địa phương và các tập thể, cá nhân làm tốt, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm những ngành, đơn vị, cá nhân (nếu có) làm chưa tốt hoặc vi phạm chế độ, chính sách;

(4) Tập trung nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số;

(5) Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành và cấp huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc, người có uy tín. Tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, tồn tại, bất cập để có biện pháp khắc phục;

(6) Chú trọng phát huy vai trò của ban giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, bảo đảm các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đúng quy định, phòng ngừa tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách hoặc hỗ trợ không đúng đối tượng.

Giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian tới

Một là, xác định khâu đột phá và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn, nhất là các chương trình, chính sách dân tộc. Các khâu đột phá gồm: Xây dựng các đề án thực hiện kế hoạch chiến lược công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành. Phát triển và thu hút nhân lực, thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật đáp ứng nhu cầu cung cấp lao động cho các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, tăng cường phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, từng bước xây dựng quê hương Bắc Giang giàu mạnh trong giai đoạn hiện nay.

Ba là, tiếp tục phát triển, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiện toàn cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách triển khai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Bắc Giang.

Bốn là, tăng cường xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định dân cư, cải thiện nâng cao đời sống đồng bào dân tộc. Tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang.

Năm là, các cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cán bộ, đảng viên trong tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. Tỉnh cũng cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Sáu là, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025) tại tỉnh Bắc Giang sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả sẽ được nhân rộng; hạ tầng kinh tế - xã hội được tiếp tục cải tạo, đầu tư nâng cấp… Môi trường nông thôn trở nên xanh, sạch, đẹp, trật tự an toàn, ổn định.

HOÀNG ĐỨC THÀNH - Thạc sĩ, Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc Phòng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều