Công tác phối hợp của hệ thống chính trị các cấp trong phát triển toàn diện khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu

(Mặt trận) - Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự bản”, hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia giữ gìn an ninh trật tự, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Phong trào đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự biên giới, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.

Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia, với diện tích tự nhiên 9.068,8 km2, dân số trên 460 nghìn người. Khu vực biên giới của tỉnh tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, trải rộng trên địa bàn 4 huyện (Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Nậm Nhùn), với chiều dài 265,165 km thuộc 23 xã, 232 bản và 17 dân tộc cùng sinh sống với tổng số trên 20 vạn người, chiếm trên 58% dân số dân tộc thiểu số toàn tỉnh và chiếm 92% tổng dân số của 4 huyện; trong đó, có hai dân tộc rất ít người chỉ có ở tỉnh (La Hủ, Mảng) và 5 dân tộc đặc biệt khó khăn (Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Khơ Mú); cư trú xen ghép, phân bố chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, trong đó có 52/75 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh (chiếm 69%).

Nhận thức rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về biên giới quốc gia, Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên giới như: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các xã biên giới”; Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các xã biên giới”; Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các xã biên giới”.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng các quyết định để tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chính sách và kế hoạch hằng năm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh, như các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp; các chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với nguồn vốn tái định cư Thủy điện Lai Châu; quy hoạch, sắp xếp, bố trí các điểm dân cư trên khu vực biên giới; các dự án, đề án di dân, tái định cư ra biên giới, tạo điều kiện để Nhân dân định cư ổn định trên địa bàn; đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội (điện, đường, trường, trạm và khu kinh tế cửa khẩu, các tuyến đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới, kè sông suối, mốc giới,...).

Mục tiêu của các nhiệm vụ đề ra của hệ thống chính trị các cấp là nhằm củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, du canh du cư. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã phân công trách nhiệm các đồng chí lãnh đạo phụ trách các cụm xã, thị trấn, bản; giao cho bí thư, trưởng bản, đảng viên, thành viên tổ dân vận tham gia phụ trách các hộ gia đình bằng kế hoạch cụ thể, có đánh giá kết quả định kỳ hằng năm rõ người, rõ việc, rõ kết quả.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức các tổ đội công tác xuống cơ sở, bám dân, bám địa bàn, nắm chắc tình hình địa bàn, giải quyết các vấn đề phức tạp mới nảy sinh trong Nhân dân; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác vận động cộng đồng phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xóa bỏ tập tục lạc hậu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Tần, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cắm bản cùng ăn, cùng ở với dân bản_Ảnh: TTXVN

Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia giữ gìn an ninh trật tự, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; đảm bảo an ninh trật tự biên giới. Phát huy hiệu quả vai trò của Nhân dân trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự bản"; xây dựng, củng cố và duy trì các tổ tự quản về an ninh trật tự, đường biên, mốc quốc giới. Xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu như: "Tổ an ninh nhân dân", "Tổ hòa giải", "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự", "Tổ bảo vệ đường biên, mốc giới", "Phụ nữ vận động chồng, con không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội", "Xã không có tệ nạn ma túy", "Các bản, các hộ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới".

Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng bộ đội biên phòng trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thôn, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới. Tuyên truyền để Nhân dân hiểu biết về các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới, về chủ quyền lãnh thổ, ý thức bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản, phòng chống tội phạm, xây dựng địa bàn không có ma túy, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất ma túy, không tham gia các tệ nạn xã hội; nâng cao cảnh giác, chống luận điệu tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền đạo trái pháp luật.

Tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản; xây dựng thôn, bản tự quản và cộng đồng dân cư. Đồng thời với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị các cấp luôn coi trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới nên đã có 85,9% số tổ chức chính quyền cơ sở đạt khá và tốt; 95,7% số tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đạt vững mạnh; 100% số thôn, bản tại các xã biên giới có đảng viên; 72% số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ học vấn trung học phổ thông, 89% có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; 71,3% số cán bộ cấp xã có trình độ lý luận trung cấp trở lên.

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ cho các xã biên giới với 22 cán bộ bộ đội Biên phòng cho các xã biên giới, trong đó có 2 đồng chí giữ chức bí thư, 12 đồng chí giữ chức phó bí thư thường trực; giới thiệu 75 đảng viên là cán bộ ở các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản. Thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các thôn, bản, bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể giao cho 63 tập thể, 460 cá nhân tham gia tự quản 161,812 km đường biên, 66 mốc quốc giới…

Hệ thống chính trị các cấp đã thực hiện các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được tỉnh chỉ đạo duy trì, mở rộng. Theo đó, thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, mở rộng các nội dung hợp tác; đưa các cơ chế hợp tác đã có đi vào chiều sâu; thiết lập cơ chế hợp tác thông qua nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, xã biên giới của hai tỉnh Lai Châu và Vân Nam, giữa các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu với lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Vân Nam.

Hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các huyện biên giới của hai bên được duy trì thông qua cơ chế giao ban thường niên giữa 4 huyện biên giới của tỉnh Lai Châu với các huyện Kim Bình, Lục Xuân, Giang Thành của tỉnh Vân Nam. Qua đó, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Tình hình trên tuyến biên giới của tỉnh luôn ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Triển khai tốt công tác đối ngoại biên phòng theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các huyện, các xã, các lực lượng Biên phòng, cụm dân cư hai bên biên giới được tăng cường.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn của tỉnh nói chung, vùng biên giới nói riêng còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ cận nghèo, tái nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, chiếm trên 45%. Chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn thấp, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số nơi còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng di dịch cư tự do trong vùng đồng bào dân tộc vẫn còn xảy ra. Một số chính sách dân tộc còn chồng chéo, trùng lắp, thiếu khả thi; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, nguồn lực bố trí cho các chính sách còn hạn chế. Tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội chậm được xóa bỏ; một số đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những hủ tục trong cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ...

Tình trạng di cư tự do, người lao động khu vực biên giới xuất cảnh bất hợp pháp, hoạt động buôn lậu, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán chất ma túy và âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc diễn biến phức tạp, nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự... là những vấn đề tác động đến sự phát triển ổn định tại các vùng đồng bào các dân tộc ở các huyện biên giới. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, chưa thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao, nội dung, phương pháp chưa phù hợp với từng đối tượng; việc sử dụng tiếng dân tộc trong tuyên truyền, vận động còn ít. Công tác nắm tình hình địa bàn, tình hình Nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời; chưa phát huy tốt vai trò của người có uy tín, lực lượng cốt cán trong dân tộc, tôn giáo tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, trong nước và khu vực biên giới, trong đó có tỉnh Lai Châu sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục đặt ra những vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp và sức mạnh của thế trận Biên phòng toàn dân, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh phù hợp với đặc thù khu vực biên giới của tỉnh. Chú trọng khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu, tạo những chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là ở các khu vực rừng đầu nguồn, hướng tới mục tiêu người dân sống được bằng nghề rừng. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp bố trí, sắp xếp ổn định dân cư gắn với các vùng chuyên canh sản xuất, khu định canh, định cư cho Nhân dân tại chỗ và người dân từ nơi khác chuyển đến, đồng thời gắn với phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực biên giới.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội để thoát nghèo bền vững. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, chính sách để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, như nâng cấp và mở mới các tuyến đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới, đường nội bộ xã biên giới. Phát triển điện lưới quốc gia; kiên cố hóa trường học, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng lực lượng mới, nâng cấp và đầu tư thiết bị các trạm y tế xã...

Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm ở khu vực vùng biên giới; chăm lo xây dựng lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, đủ khả năng làm nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của phong trào quần chúng tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, trong cuộc vận động hướng về biên giới.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Tăng cường công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NGUYỄN MINH NGUYÊN -  Tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều