Hiệu quả thực hiện Dự án 1 từ ủy thác vay vốn tín dụng qua ngân hàng chính sách

(Mặt trận) - Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) là công cụ điều tiết kinh tế của Nhà nước, là đòn bẩy quan trọng giúp người nghèo có điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Hiện cả nước có 20 chính sách tín dụng thực hiện cho đối tượng là đồng bào DTTS và miền núi. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) những năm qua, NHCSXH đã sử dụng đúng mục đích, giúp nhiều hộ nghèo sửa sang nâng cấp nhà ở, làm công trình nước (Dự án 1), vệ sinh, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nhiều hộ đồng bào DTTS nhờ sử dụng vốn vay NHCSXH đã thoát nghèo.

Phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS và miền núi trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Hướng dẫn Thông tư 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, các tỉnh đã thực hiện rà soát, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng, đồng thời, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho các hộ gia đình đồng bào DTTS và miền núi, tuyên truyền, hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi.

Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với 101.733 khẩu/24.187 hộ; chiếm 8% dân số của tỉnh, gồm các dân tộc Chăm, Ra Glai, Hoa, Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng, Mường. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch sinh thái,... và cũng là vùng đặc biệt khó khăn, thường xảy ra thiên tai. 

Triển khai chính sách tín dụng tại điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Nguồn: binhthuan.dcs.vn)

Thực hiện triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS và miền núi qua ủy thác của tỉnh Bình Thuận, chi nhánh NHCSXH tỉnh được giao vốn năm 2022 là 26.963 triệu đồng; năm 2023 là 27.327 triệu đồng. Tính đến 30/4/2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH đã giải ngân 55.135 triệu đồng/758 hộ DTTS nghèo; trong đó, vay hỗ trợ nhà ở: 6.000 triệu đồng/150 hộ (các hộ vay mức tối đa 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở); vay hỗ trợ chuyển đổi nghề là 49.135 triệu đồng/608 hộ (bình quân mỗi hộ vay 81 triệu đồng để trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc). Doanh số thu nợ 323 triệu đồng, dư nợ thực hiện đến ngày 30/4/2024 là 53.888 triệu đồng, đạt 99,3% so với kế hoạch vốn được giao.

Tính đến tháng 7/2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh và cấp huyện đã tích cực triển khai các vốn vay tới gần 12.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 374 tỷ đồng; hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho 1,9 ngàn lượt hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 2,7 ngàn lao động; hỗ trợ học phí cho 177 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng gần 21 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 20 đối tượng thu nhập thấp từ nguồn vốn thu hồi.

Phú Yên là một trong số các tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sớm thực hiện ủy thác vốn ngân sách địa phương qua chi nhánh NHCSXH cho các đối tượng là đồng bào DTTS và miền núi theo các chính sách hiện hành. Thực tế, ở tỉnh Phú Yên, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ sóng đến 100% các thôn, buôn, khu phố của 110 xã, phường, thị trấn; trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Từ năm 2020 đến tháng 9/2023, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã cho vay trên 126.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay gần 4.766 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 45.200 hộ vượt nghèo, tạo việc làm cho trên 24.500 lao động; giúp hơn 10.200 hộ gia đình vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; xây trên 41.900 công trình nước sạch…

Riêng năm 2023, NHCSXH Phú Yên giải ngân 1.295 tỉ đồng cho 33.921 lượt khách hàng vay vốn của 13 chương trình tín dụng. Trong đó có 4.072 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn, giúp 2.487 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 4,1% xuống còn 3,22%. sửa chữa, xây dựng mới hơn 19.400 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; giúp hơn 700 hộ vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh; giúp cho hơn 13.000 lao động có được việc làm.

Năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Phú Yên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 341,29 tỉ đồng. Đến hết quý III/2024, các đơn vị, địa phương thụ hưởng Chương trình đã giải ngân 44,62 tỉ đồng.

Kết quả, nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình đã hỗ trợ nhà ở cho 65 hộ DTTS nghèo; đang hỗ trợ xây dựng 59 nhà; hỗ trợ 3 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư, nâng cấp 187 công trình giao thông, trường học, thủy lợi, văn hóa, thể thao... Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 40 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.217 hộ.

Cũng trong 9 tháng qua, NHCSXH đã giải ngân trên 90.233 tỉ đồng, cho hơn 1,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tính đến 30/9/2024, tổng dư nợ cho vay đạt 357.200 tỉ đồng, tăng 16.506 tỉ đồng (5,6%) so với năm 2023, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 261.800 tỉ đồng, tăng gần 17.000 tỉ đồng so với năm 2023, hoàn thành 86,3% kế hoạch tăng trưởng được giao… Qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Có thể nói, hoạt động hiệu quả của các NHCSXH có sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp theo quy định.

Trong thời gian tới, các tỉnh thực hiện ủy thác ngân sách địa phương qua chi nhánh NHCSXH cho vay các đối tượng chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Làm tốt công tác tư vấn và hướng dẫn xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp hộ nghèo và đồng bào vùng DTTS và miền núi vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách tới đông đảo người dân nói chung và đồng bào DTTS và miền núi tham gia vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no ngay chính trên mảnh đất quê hương.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều