|
Xóa bỏ định kiến và xóa khảng cách về giới trong đồng bào DTTS. Ảnh: Biên Phòng |
Những năm qua, vấn đề bình đẳng giới được tỉnh quan tâm thực hiện và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nữ các cấp trong tỉnh cơ bản đã trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn, cơ bản ở các cấp, các ngành đã bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2021-2025: Cấp cơ sở 26,54% (tăng 5,62%), trong đó tỷ lệ nữ tham gia từ 15% trở lên; cấp huyện 18,93%; cấp tỉnh 14%. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây đều có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; nhiệm kỳ 2021 - 2025 có 01 đồng chí cán bộ nữ giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 24/10/2022 triển khai dự án 8 “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, từ ngày 15/11 đến ngày 15/12, tỉnh Lào Cai triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế như: truyền thông trực tiếp; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình; hệ thống thông tin cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; các trang thông tin điện tử, báo điện tử và các mạng xã hội...
Việc phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức hàng năm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Hiện nay, Lào Cai có gần 80 mô hình với trên 380 câu lạc bộ và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là lực lượng tuyên truyền về chính sách pháp luật, cách phòng chống bạo lực gia đình đến thôn bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư. Cùng với hoạt động của các câu lạc bộ, ngành chức năng hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên về phòng, chống bạo lực gia đình; duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin và tư vấn, hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, phòng ban, UBND các cấp tăng cường đăng tải các tin, bài viết về tình trạng bất BĐG, bạo lực gia đình; truyền phát bằng tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về BĐG; vận động bà con xóa bỏ những định kiến, quan niệm lạc hậu về giới; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng bất BĐG... Trong đó, đặc biệt quan tâm chú trọng vào các địa bàn vùng DTTS có biểu hiện, nguy cơ cao về bất BĐG.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, các huyện, xã tăng cường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động BĐG vùng DTTS với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, các hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể ở thôn xóm… Đôn đốc, hướng dẫn hỗ trợ thực hiện BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình; treo băng zôn tuyên truyền trên các tuyến đường chính, tại các thôn, tổ dân phố có đông dân cư qua lại nhằm thực hiện truyền thông phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, hỗ trợ lao động việc làm nói chung và cho chị em phụ nữ DTTS nói riêng; tăng cường rà soát thực trạng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cũng như các chính sách an sinh xã hội như: Bảo hiểm y tế, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương... Từ đó, kịp thời đề xuất đến cấp ủy để có những giải pháp thiết thực, kịp thời chỉ đạo, lãnh đạo về công tác BĐG; giúp thay đổi nhận thức về vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS, để mọi người đều phát huy quyền của mình và tham gia xây dựng gia đình, hạnh phúc không có bạo lực.
Tại huyện Mường Khương, thành lập các Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới”, tổ chức các đợt truyền thông trọng điểm nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của xã hội đối với công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.
Trong tháng 10 vừa qua, tại trường tiểu học Bản Lầu, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) đã tổ chức chương trình “Trại mùa thu – trẻ em tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới” với các hoạt động trải nghiệm tại 3 khu vực “Em biết”, “Em thấy”, và “Em hành động” cho các học sinh DTSS. Thông qua các hoạt động này, các em học sinh có thêm nhận thức về giới và giới tính, định kiến giới, khuôn mẫu giới và nhận diện được những định kiến và khuôn mẫu giới đang tồn tại trong gia đình, trường học và cộng đồng xung quanh. Từ đó, các em sẽ tự đưa ra những giải pháp để phá vỡ “vòng tròn định kiến”, rút ngắn khoảng cách về giới.
Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh năm 2022, tại huyện Bắc Hà, tập trung đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức về thông điệp bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp trong xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời, huyện đã triển khai mô hình điểm về bình đẳng giới tại một số xã đã giúp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho nhiều gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp để triển khai nhiệm vụ một cách đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng các chương trình, đề án phát triển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xây dựng các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với điều kiện của địa phương: thực hiện thí điểm việc đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng ở cấp bậc học phù hợp, đồng thời xây dựng lộ trình nâng cao năng lực cho giáo viên về giảng dạy các nội dung bình đẳng giới; nghiên cứu, xây dựng các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số (thay đổi hương ước, quy ước, tập quán có nhiều định kiến giới); mô hình nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới; mô hình nhóm phụ nữ tự lực nhằm khuyến khích phụ nữ tìm đến sự hỗ trợ khi bị bạo lực...
Minh Anh