Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: baodantoc.vn
Trong ba năm (2022 – 2024), HĐND tỉnh đã giao nguồn ngân sách trung ương tổng 1.923.805 triệu đồng, đạt 72,6% kế hoạch cả giai đoạn; UBND tỉnh phân bổ đến các đơn vị 1.923.598 triệu đồng, đạt 99,98% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã giao trong 3 năm là 1.944.931 triệu đồng. UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương giao các đơn vị thực hiện đối ứng Dự án 1 là 3.753 triệu đồng.
Tổng kế hoạch vốn trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An dành cho việc thực hiện hỗ trợ đất ở trong giai đoạn 2021-2025 là 1 tỷ 24 triệu đồng để hỗ trợ 31 hộ (huyện Kỳ Sơn: 11 hộ; huyện Tương Dương: 10 hộ; huyện Quế Phong: 10 hộ). Đến nay, các huyện đã phê duyệt đối tượng, thực hiện hỗ trợ 10 hộ, với kinh phí hỗ trợ là 40 triệu đồng/hộ, giải ngân được 400 triệu đồng, đạt 32,25% kế hoạch.
Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã nhận được một kế hoạch vốn ngân sách trung ương với tổng số lên tới 25,28 tỷ đồng để giúp đỡ cho 632 hộ gia đình. Theo đó, trong năm 2022, tỉnh đã phân bổ 12,6 tỷ đồng để tiến hành hỗ trợ cho 315 hộ; và trong năm 2023, số tiền dành cho 179 hộ là 7,16 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, các huyện đã hoàn tất việc rà soát và phê duyệt danh sách các hộ gia đình cần hỗ trợ. Đồng thời, đã xây dựng hoàn thành 166 căn nhà; đang xây dựng 209 căn nhà, có 119 hộ chưa khởi công xây dựng và đã giải ngân được 5,688 tỷ đồng.
Đối với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, ngân sách trung ương đã cấp cho năm 2022 là 9,374 tỷ đồng, nhằm giúp đỡ 938 hộ có nhu cầu đổi nghề. Năm 2023, con số này đã tăng lên 28,65 tỷ đồng để hỗ trợ tới 2.865 hộ. Như vậy, tổng cộng trong 2 năm, kế hoạch vốn ngân sách trung ương dành cho việc đổi nghề đã lên tới 38,024 tỷ đồng, với mức hỗ trợ cho mỗi hộ là 10 triệu đồng. Đến nay, đã hỗ trợ 318 hộ, giải ngân được 3,18 tỷ đồng. Năm 2024 đang trình phân bổ 16,312,5 tỷ đồng cho 4 huyện là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong.
Hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình tại các thôn bản. Ảnh: baodantoc.vn
Ngoài ra, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 171/KH-UBND ngày 11/3/2022 về triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, với mục tiêu 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Theo đó, tỉnh Nghệ An ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình tại các thôn bản. Năm 2022, gần 8.514 tỷ đồng đã được cấp từ ngân sách trung ương để hỗ trợ 2.838 hộ gia đình. Đến năm 2023, con số này tăng lên với 21,309 tỷ đồng hỗ trợ tới 7.103 hộ. Như vậy, chỉ trong 2 năm, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương dành cho việc cung cấp nước sinh hoạt phân tán đã đạt tới 29,823 tỷ đồng, định mức mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. Đến nay, các huyện đã xây dựng kế hoạch và thực hiện giải ngân được 7,404 tỷ đồng.
Về hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng kế hoạch vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An để hỗ trợ là 105,011 tỷ dành cho 46 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 9 huyện: Kỳ Sơn (10 công trình); Tương Dương (5 công trình); Con Cuông (7 công trình); Anh Sơn (1 công trình); Tân Kỳ (4 công trình); Quế Phong (8 công trình); Quỳ Châu (4 công trình); Quỳ Hợp (6 công trình); Nghĩa Đàn (1 công trình).
Trong năm 2022, đã phân bổ 32,895 tỷ đồng để thực hiện 25 công trình mới; năm 2023 đã phân bổ 23,731 tỷ đồng để thực hiện 25 công trình chuyển tiếp và xây dựng mới 1 công trình. Đến nay, đã giao 100% chi tiết kế hoạch vốn; giải ngân được 28,994 tỷ đồng
Tuy nhiên, việc thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đang gặp vướng mắc về định mức đất ở, đất sản xuất. Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định về định mức đất ở, đất sản xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân nói chung; hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và dân tộc nói riêng. Do đó, tỉnh không có cơ sở để ban hành văn bản quy định định mức đất ở, đất sản xuất cho mỗi hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn, làm chậm tốc độ giải ngân, trong đó nhiều dự án phải trả lại vốn được bố trí. Vì vậy, vốn phân bổ năm 2023 đối với các dự án thuộc Chương trình tính đến ngày 20/3/2024 toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được 23,65%.
Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, tỉnh Nghệ An cũng xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình.
Đồng thời, tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm làm trong nhận thức, hành động, trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân đối với việc thực hiện Chương trình; thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; giảm dần số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện Chương trình; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách dân tộc; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tiếp tục triển khai những chương trình, dự án trọng điểm để tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Minh Anh