Phú Thọ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực huy động các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình và chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường, đặc biệt tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình) đã được tỉnh ưu tiên thực hiện. Các cấp, ngành và địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân. Đồng thời, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch và vệ sinh cũng được đẩy mạnh, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và cải thiện điều kiện sống cho đồng bào DTTS.
Trẻ em xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn sử dụng nguồn nước sạch (Ảnh: baovemoitruong.org.vn)

Kế hoạch số 3036/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình tại tỉnh Phú Thọ đã đặt ra mục tiêu cụ thể: 96,8% số hộ dân đồng bào DTTS sẽ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong giai đoạn 2021-2025.

Song song với đó, Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc phân bổ vốn đầu tư công và vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 đã được thông qua, với phương án phân bổ chi tiết. Tổng nguồn vốn cho Chương trình là 215.406 triệu đồng, trong đó Dự án 1, tập trung vào việc giải quyết các nhu cầu thiết yếu như đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho 4 huyện Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, và Thanh Sơn, được phân bổ 3.452 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt thuộc Dự án 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vai trò là cơ quan đầu mối, đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các dự án xây dựng, cải tạo công trình cấp nước sinh hoạt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phân bổ nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu và hiệu quả. Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia giám sát chất lượng nguồn nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước sạch, đảm bảo môi trường trong lành.

Các địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp huyện và xã tại các huyện Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, và Thanh Sơn, đã tích cực phối hợp trong việc khảo sát thực địa, lập kế hoạch xây dựng và vận hành các công trình cấp nước. Đồng thời, các huyện cũng tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước sạch.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện dự án. Mặt trận Tổ quốc không chỉ là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân mà còn trực tiếp tham gia vào việc giám sát, kiểm tra các dự án cấp nước, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình triển khai. Thông qua hệ thống Mặt trận tại cơ sở, tổ chức này đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền cho đồng bào DTTS về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, từ đó giúp thay đổi hành vi và thói quen sinh hoạt của người dân. Mặt trận Tổ quốc còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác để thực hiện các chiến dịch giáo dục cộng đồng, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước.

Sau 3 năm triển khai, Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo các xóm, bản vùng cao của tỉnh Phú Thọ. Trong hai năm (2022 và 2023), toàn tỉnh đã hỗ trợ 1.476 hộ nghèo là đồng bào DTTS và hộ nghèo người Kinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt.

Huyện Thanh Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Với sự chỉ đạo của UBND huyện, các công trình nước sạch đã được quản lý và sử dụng hiệu quả, giúp 30.000 hộ dân tại 22 xã trên địa bàn tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ gần 96%. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự phối hợp của các cấp, ngành, đến nay, 96,5% hộ dân trong huyện đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Trong giai đoạn 2021-2024, huyện đã tiếp tục bố trí nguồn vốn để đầu tư vào các công trình nước sinh hoạt, đảm bảo hạ tầng cấp nước ở các xã vùng DTTS được xây dựng đồng bộ và đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân. Việc này đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện điều kiện sống và đảm bảo sức khỏe cho đồng bào DTTS tại huyện Thanh Sơn.

Huyện Tân Sơn cũng đã triển khai hiệu quả nhiều dự án liên quan đến hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Cụ thể, 142 hộ dân đã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, đảm bảo cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho các gia đình khó khăn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, huyện còn tiếp tục đầu tư vào hạ tầng cấp nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Bên cạnh việc cung cấp nước sinh hoạt, huyện cũng đã có kế hoạch bố trí ổn định dân cư cho 60 hộ dân tại vùng thiên tai xóm Nhàng, xã Kim Thượng, một khu vực gặp nhiều khó khăn về điều kiện sống và nguồn nước.

Huyện Yên Lập đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và miền núi. Trong năm 2023, Chương trình đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo thuộc vùng DTTS. Việc hỗ trợ nước sinh hoạt được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện thực tế và nhu cầu của từng khu vực. Người dân được cung cấp vật dụng dẫn nước, trữ nước, hoặc đào giếng để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hàng ngày.

Do đặc thù dân cư sống rải rác, các dự án cấp nước được thực hiện theo hình thức phân tán, hỗ trợ cho từng hộ hoặc nhóm hộ để xây dựng các công trình sử dụng chung. Nguyên tắc thực hiện các dự án là dựa trên sự bàn bạc, thống nhất và tự nguyện của các hộ dân, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và khả thi khi triển khai.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là khi huyện có đến 83% dân số là đồng bào DTTS. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân và tăng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách và phê duyệt đối tượng thụ hưởng. Mục tiêu đến năm 2025, 96% hộ DTTS trên địa bàn sẽ được sử dụng nước sạch.

Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phối hợp thực hiện các giải pháp, tập trung vào việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào theo Chương trình. Các ngành chức năng sẽ làm việc với chính quyền địa phương để rà soát, đánh giá nhu cầu và đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, đồng thời cung cấp vật dụng chứa nước cho người dân. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch cũng như quản lý hiệu quả các công trình cấp nước.

Tỉnh sẽ triển khai các dự án đầu tư và nâng cấp các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, bao gồm cả hệ thống nước sinh hoạt phân tán và tập trung, tùy theo điều kiện thực tế của từng khu vực và nhu cầu của người dân. Các giải pháp hỗ trợ sẽ bao gồm đào giếng, lắp đặt thiết bị dẫn nước và các phương án trữ nước. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư đồng bào DTTS, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng các công trình cấp nước tập trung, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường hiệu quả sử dụng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng các hoạt động tuyên truyền về tầm quan trọng của nước sạch để nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều