Sơn La: Tích cực triển khai các giải pháp thực hiện Chương trình

(Mặt trận) - Là tỉnh miền núi, Sơn La có dân số hơn 1,2 triệu người, 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó, hơn 83% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai đồng bộ các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình). Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn lực từ Chương trình, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thuận Châu là huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La đang từng ngày khởi sắc – Nguồn ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La có 202/204 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó, 126 xã khu vực III và 1.449 bản đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi thực hiện Chương trình. Theo Báo cáo số 308/BC-BDT ngày 27/10/2023 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021 - 2025, tổng kế hoạch vốn Trung ương giao cho tỉnh thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là 6.154,924 tỷ đồng. Trong đó: vốn đầu tư phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 là 3.093 tỷ 508 triệu đồng; Vốn sự nghiệp là 3.061 tỷ 416 triệu đồng.

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời. Chương trình được chỉ đạo thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, từ đó tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình theo quy định; tạo điều kiện cho chính quyền, địa phương thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được người dân đồng tình tham gia hưởng ứng.

Để triển khai Chương trình, Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; Ngày 04/03/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 67/KH-UBND về "Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024"…

Cũng theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh Sơn La đã giải ngân tổng số 2.148.333/5.181.583 triệu đồng, đạt 41,46%. Trong đó, vốn đầu tư 1.723.831/2.374.849 triệu đồng, đạt 72,59%; vốn sự nghiệp: 399.473/2.567.993 triệu đồng, đạt 15,56%. Trong đó, ngân sách Trung ương 2.087.387/4.845.345 triệu đồng, đạt 43,08% (vốn đầu tư 1.692.103/2.311.396 triệu đồng, đạt 73,21%; vốn sự nghiệp: 395.284/2.533.949 triệu đồng, đạt 15,60%). Ngân sách địa phương 35.917/97.497 triệu đồng, đạt 36,84% (vốn đầu tư 31.728/63.453 triệu đồng, đạt 50%; vốn sự nghiệp: 4.189/34.044 triệu đồng, đạt 12,30%). Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 25.029/238.741 triệu đồng đạt 10,48%. Tính đến hết ngày 31/01/2024, tỉnh đã giải ngân: 1.568.484/2.813.057 triệu đồng đạt 55,76%. Trong đó, ngân sách Trung ương: 1.525.881 triệu đồng (vốn đầu tư 1.192.051/1.368.281 triệu đồng đạt 87,12%, vốn sự nghiệp 333.830/1.154.195 triệu đồng đạt 28,92%). Ngân sách địa phương 17.574 triệu đồng (vốn đầu tư 13.385/41.990 triệu đồng đạt 31,88%, vốn sự nghiệp 4.189/9.850 triệu đồng đạt 42,53%). Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội: 25.029 triệu đồng.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình toàn tỉnh đã từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất cho 418 hộ đồng bào DTTS; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; đào tạo nghề, việc làm cho 7.030 người; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm, với 956 hộ đồng bào DTTS của 8 huyện; xây dựng 5 công trình giao thông liên xã chưa được cứng hóa, 8 công trình chợ; đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha của các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La...

Tiêu biểu như tại huyện Bắc Yên, là huyện vùng cao có trên 95% dân số là đồng bào DTTS, năm 2022, Bắc Yên ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn 13 xã và 67 bản đặc biệt khó khăn. Sau gần 3 năm triển khai Chương trình cùng với nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách khác. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm trên 4%/năm; trên 87% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 64% bản có đường từ trung tâm xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99,2% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 95% dân số thị trấn được sử dụng nước sạch; 100% dân số vùng đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi là người DTTS được đào tạo nghề phù hợp đạt 17%, trong đó, 80% là lao động người DTTS trong độ tuổi 18-35 tuổi…

Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình, Bắc Yên đã triển khai hỗ trợ 36 hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 30 hộ; đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 4 xã; hỗ trợ bồn chứa nước cho 39 hộ DTTS nghèo. Huyện đang triển khai 3 dự án bố trí sắp xếp dân cư, tổng số hộ đến hết năm 2023 là 24 hộ, dự kiến hết năm 2024 là 104 hộ.

Đồng thời, chính quyền huyện Bắc Yên hỗ trợ Nhân dân triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp như cải tạo, thâm canh lúa theo hướng hữu cơ; trồng khoai sọ, dứa Queen, phát triển vùng nguyên liệu chè Shan tuyết… Mở lớp xóa mù chữ cho 46 học viên; 10 lớp đào tạo nghề cho 350 người lao động.

Tại huyện Mai Sơn, từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ, tuyến đường liên bản Lò Um - bản Khoáng Biên, xã Chiềng Dong, huyện Mai Sơn dài hơn 1,9 km đã hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 400 hộ dân từ tháng 1/2024. Bản Khoáng Biên xã Chiềng Dong có 94 hộ, hơn 420 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Các hộ đã dịch chuyển hàng rào, hiến đất để mở rộng đường từ 2,5 lên 6m, mặt đường đổ bê tông rộng 3,5-4 m. Tuyến đường hoàn thành giúp giao thương thuận lợi, bà con rất phấn khởi. 

Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư thực hiện các Chương trình của huyện Mai Sơn trên 75,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được giao, đến tháng 9/2024, huyện phân bổ 46,9 tỷ đồng, đạt 61,9% kế hoạch vốn giao. Nhiều công trình, dự án được khởi công xây dựng, góp phần thay đổi cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu, đường liên bản Nong Tầu Mông - Nong Nghè - Xà Nghè - Huổi Nhà - Phiêng Phụ A, xã Phiêng Cằm dài 3 km, thời gian thực hiện 2023 - 2025; cầu qua suối bản Cho Cong, xã Chiềng Nơi; nâng cấp công trình nước sinh hoạt bản Pá Nó, xã Tà Hộc...

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá quan trọng thực hiện Chương trình, nhưng tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần nói chung còn chậm; tỷ lệ giải ngân ở mức thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; nhiều dự án đầu tư không được thực hiện hoặc chậm tiến độ phải điều chuyển nguồn vốn. Đặc biệt với nội dung hỗ trợ đất ở theo báo cáo của các huyện trong tỉnh, nội dung này khó thực hiện được do các xã không có quỹ đất ở để cấp cho các hộ; các đối tượng đều là hộ nghèo điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một số hộ đang ở trên đất nương, đất vườn không thuộc quy hoạch đất thổ cư nên không thể thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở.

Hiện nay, các huyện đang tiếp tục rà soát quỹ đất để thực hiện hỗ trợ. Đối với, hỗ trợ đất sản xuất đến nay các huyện không thực hiện được, do hiện nay các xã không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho các hộ nghèo nên không thực hiện được giải ngân vốn đã giao, nếu có quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hoá, cải tạo để giao đất hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về luật đất đai.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về định mức sản xuất để thực hiện Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Sơn La để tập trung tháo gỡ, đảm bảo cho đồng bào DTTS có nhà ở, có đất sản xuất được cấp giấy chứng nhận. 

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều