Tích cực thực hiện chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk

(Mặt trận) - Tỉnh Đắk Lắk có 59 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I, 454 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Người dân đa phần sinh sống bằng nghề nông, tự cung tự cấp nên giải quyết vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất có ý nghĩa thiết thực để đồng bào an cư lạc nghiệp và phát triển kinh tế.

 

Ảnh minh họa: daibieunhandan.vn

Trong những năm qua, Đắk Lắk tích cực triển khai các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã giải quyết đất ở cho 6.106 hộ, với diện tích 242,8 ha, đất sản xuất: 8.202 hộ, 4.556,3 ha theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg, ngày 8/10/2002 về giải quyết đất đai cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên (Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên). 5.531 hộ được giải quyết về đất ở, diện tích 144,5 ha; 7.737 hộ được giải quyết đất sản xuất, diện tích 2.771,5 ha theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn. Theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, các huyện đã bố trí ngân sách để tạo quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho 448 hộ với diện tích hơn 194 ha.

Thực hiện Dự án 1: Hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình), nguồn vốn Trung ương giao cho tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn 2021 - 2024 là trên 130 tỷ đồng. Đến nay, đã hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 552 hộ, tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng (gần 18%). Qua rà soát, nhu cầu hỗ trợ còn lại giai đoạn 2021 - 2025 là 16.834 hộ, kinh phí 613 tỷ đồng.

Huyện Buôn Đôn có 1.192 hộ thiếu đất ở, 935 hộ thiếu nhà ở, 1.018 hộ thiếu đất sản xuất nằm trong diện được thụ hưởng của Chương trình. Trong năm 2024, Buôn Đôn đã hỗ trợ nhà ở cho 299 hộ đồng bào DTTS. Theo đó, mỗi hộ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu, ngân sách tỉnh hỗ trợ 4 triệu và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 40 triệu để làm nhà ở. Nội dung này được chính quyền phổ biến rộng rãi đến người dân, đảm bảo công khai, minh bạch; UBND huyện cũng đã phê duyệt danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ.

Đồng thời, huyện đã quy hoạch xây dựng dự án khu giãn dân tại Buôn Ndrếch Ea Huar khoảng 11ha, dự kiến mỗi hộ dân được cấp 400m2 đất làm nhà ở. Ngân sách thực hiện dự án này khoảng 29 tỷ đồng, trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, các công trình công cộng…

Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, hộ nghèo đồng bào DTTS có 4.514 hộ, 23.949 khẩu, chiếm 48,65% hộ nghèo toàn huyện. Hiện, trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ đồng bào DTTS đang thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Krông Bông được đầu tư 5,2 tỷ đồng để triển khai thực hiện Dự án 1.

Năm 2023, huyện đã phê duyệt hỗ trợ cho 69 hộ; trong đó, hỗ trợ đất ở 28 hộ, hỗ trợ nhà ở 31 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 10 hộ; tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng. Năm 2024, huyện Krông Bông tiếp tục được đầu tư gần 2,4 tỷ đồng. Huyện đã phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 10 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 26 hộ. Tuy nhiên đến nay, huyện mới hỗ trợ cho 31 hộ làm nhà ở với tổng số kinh phí 1 tỷ 364 triệu đồng. Nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chưa thực hiện được.

Có thể thấy, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk còn khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu do địa phương không còn quỹ đất sạch. Tính đến nay, đã có 15/15 đơn vị hành chính cấp huyện được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Theo rà soát của các địa phương, dự kiến cần bố trí 6.548,8ha đất để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo quy định. Do đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp rà soát, ưu tiên bố trí quỹ đất giải quyết cho các hộ đồng bào DTTS, người dân không có đất, thiếu đất tại địa phương theo những chính sách, chương trình của Chính phủ để tổng hợp, xác định vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm căn cứ thực hiện.

Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ thấp so với giá đất thực tế cũng gây khó khăn cho công tác triển khai. Theo quy định, về đất ở, ngân sách Trung ương hỗ trợ 44 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng; về đất sản xuất, ngân sách Trung ương hỗ trợ 22,5 triệu đồng, mức vay Ngân hàng Chính sách Xã hội là 77,5 triệu đồng. Hầu hết các đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo nên khó vận động họ đóng góp thêm kinh phí để mua đất ở, đất sản xuất. Vì vậy, cần lồng ghép nguồn lực giữa nguồn vốn trung ương hỗ trợ và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, kịp thời giải ngân nguồn vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP để nguồn vốn Chương trình thực sự đến tay người dân hiệu quả.

Hiện nay, HĐND tỉnh Đắk Lắk đang dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Nghị quyết dự thảo chi tiết các mức hỗ trợ đất đai đối với 4 loại hình, gồm:

1. Hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng: Giao đất sinh hoạt cộng đồng đến từng thôn, buôn tại nơi chưa có đất sinh hoạt cộng đồng. Hạn mức giao đất sinh hoạt cộng đồng: - Các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố: không quá 500m2/cộng đồng. - Các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố: không quá 1.000m2/cộng đồng.

2. Hỗ trợ đất ở a) Hỗ trợ lần đầu (theo Khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024): Trường hợp không có đất ở thì được giao đất ở trong hạn mức hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở, được công nhận quyền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể: Hạn mức giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở, được công nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân 01 (một) thửa đất như sau: + Đối với các xã: Không quá 400m2. + Đối với các phường, thị trấn: Không quá 300m2. b) Giao tiếp đất ở (theo Khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024; Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ): Trường hợp đã được giao đất ở theo các chính sách giải quyết đất ở của Nhà nước qua các thời kỳ nhưng nay không còn hoặc thiếu đất ở (diện tích đất ở thực tế đang sử dụng nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh: tại nông thôn là 60m2 , tại đô thị là 40m2 ) thì được giao tiếp đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở theo quy định nhưng không vượt quá hạn mức sau đây: + Đối với các xã: Không quá 200m2 . + Đối với các phường, thị trấn: Không quá 150m2.

3. Hỗ trợ đất nông nghiệp a) Hỗ trợ lần đầu (theo Khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024): Trường hợp không có đất nông nghiệp thì được giao đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định, cụ thể: Hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân 01 (một) thửa đất như sau: + Đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác: Không quá 02 ha đối với mỗi loại đất. + Đất trồng cây lâu năm: Không quá 01ha. + Đất lâm nghiệp được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ: Không quá 10ha đối với mỗi loại đất. b) Giao tiếp đất nông nghiệp (theo Khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024; Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ): Trường hợp đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp theo các chính sách giải quyết đất nông nghiệp của Nhà nước qua các thời kỳ nhưng nay không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức đã được giao đất nông nghiệp theo các chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ và theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết này thì được giao tiếp đất nông nghiệp nhưng không vượt quá hạn mức quy định sau đây: + Đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác: Không quá 01 ha đối với mỗi loại đất. + Đất trồng cây lâu năm: Không quá 0,5ha. + Đất lâm nghiệp được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ: Không quá 05ha đối với mỗi loại đất.

4. Hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất. Hạn mức cho thuê đất không quá 01 ha.

Với Nghị quyết này khi ban hành sẽ giải quyết những khó khăn vướng mắc về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, gắn bó với mảnh đất quê hương 

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều