Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện còn nhiều hủ tục lạc hậu gây nên những hệ lụy lâu dài. Do vậy, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các DTTS là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại huyện Vân Đồn. Ảnh minh họa: mattran.org.vn

Nằm ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc nước ta, Yên Bái là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, chiếm 56,24% dân số toàn tỉnh, đặc biệt tại các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn… đồng bào DTTS cư trú phân tán trên các triền núi, do trình độ dân trí thấp nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Do vậy, công tác tuyên truyền PBGDPL được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.

Từ khảo sát thực trạng, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã lựa chọn hình thức và nội dung phù hợp với từng đối tượng như: tổ chức nói chuyện chuyên đề; lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố, các hoạt động văn hóa truyền thống; phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý… tuyên truyền cho đồng bào cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta; tuyên truyền nội dung Luật Phòng, chống buôn bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Giao thông đường bộ; các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN... Qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có 59,4% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống; 6 xã thuộc chương trình 229 và 133 thôn bản đặc biệt khó khăn. Nhằm nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật luôn được huyện quan tâm, góp phần loại bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới. Các hình thức tuyên truyền hiệu quả như: tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hòa giải ở cơ sở, cấp phát miễn phí tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tổ chức họp phổ biến pháp luật trực tiếp, tuyên truyền lồng ghép với các chương trình, hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống.

Những năm qua, với việc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL, nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu biết hoặc hiểu chưa đầy đủ về các quy định của pháp luật, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là nạn tảo hôn, hôn nhân cùng huyết thống… Còn tại tỉnh Điện Biên, công tác tuyên truyền PBGDPL đối với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến các vi phạm pháp luật như: Tệ nạn nghiện hút ma túy, tảo hôn, di cư tự phát, phá rừng làm nương rẫy... Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, nội dung còn chưa phù hợp; hình thức tuyên truyền chưa hấp dẫn; kinh nghiệm của đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế; điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn...

 Tuyên truyền pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh minh họa: Internet

Để nâng cao nhận thức hiểu biết cho đồng bào dân tộc thiểu số về quy định của pháp luật, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 với Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn việc tuyên truyền PBGDPL cần thực hiện theo 3 nguyên tắc[1] sau: (1) Kiên trì, thường xuyên, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; (2) Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ dân tộc, ưu tiên hình thức phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; (3) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến[2] gồm: Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng các nội dung phù hợp với tình hình thực tế ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và vùng Duyên hải miền Trung.

Trọng tâm là nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội dung chính sách, pháp luật về: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hỗ trợ khởi nghiệp; các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; các văn bản chính sách về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các văn bản chính sách có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Tuyên truyền chính sách dân tộc và kết quả thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và Nhà nước; gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong chấp hành và thực hiện pháp luật, chính sách dân tộc; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, truyền đạo trái pháp luật để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực phản động; nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới; các nội dung khác có liên quan đến dân tộc và chính sách dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các đối tượng phản động ra sức chống phá thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta, việc giữ vững an ninh an toàn biên giới quốc gia đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết trong công tác tuyên truyền PBGDPL đối với đồng bào vùng DTTS&MN, đòi hỏi lực lượng tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền pháp luật phải nắm chắc nội dung và phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với đồng bào, từng bước xây dựng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng./.


[1] Điều 68 Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc ban hành ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025

[2] Điều 69 Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc ban hành ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều