Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện Dự án 1 tại tỉnh Ninh Thuận

(Mặt trận) - Thực hiện Kế hoạch số 880/KH-MTTW-BTT (ngày 02/5/2024), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập Đoàn giám sát thực hiện giám sát trực tiếp tại Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận. Sau gần 03 năm triển khai thực hiện Chương trình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có sự tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt đồng thời huy động nguồn lực hỗ trợ cho bà con vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt góp phần giúp đồng bào an cư lạc nghiệp, từng bước giảm nghèo bền vững.
Đoàn giám sát Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát việc triển khai Dự án 1 tại Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông; được tái lập vào tháng 4/1992. Ninh Thuận có diện tích tự nhiên 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố, 6 huyện và có 62 xã, phường, thị trấn. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có 28 xã; trong đó có 15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được tiếp tục đầu tư. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hình thành và phát huy, nhiều hộ đã thoát nghèo. Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc; phát triển giáo dục, đào tạo; chính sách an sinh xã hội; bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện; tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng bền vững. Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, ổn định.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện

Sau khi Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội được ban hành, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/01/2022 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình, bộ máy Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã được thành lập và kiện toàn, đây là yếu tố rất quan trọng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể như sau:

Đối với cấp tỉnh: Tỉnh đã ban hành Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Thành lập duy nhất một Ban Chỉ đạo tỉnh các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực làm Phó Trưởng ban Thường trực phụ trách mỗi Chương trình; và có sự tham gia của lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể để giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện Chương trình kịp thời, đồng bộ. Đồng thời, giao trách nhiệm các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội và Ban Dân tộc.

 Đối với cấp huyện, xã: Các huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cấp huyện và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan thường trực chung của Ban Chỉ đạo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Văn phòng UBND các huyện (riêng huyện Bác Ái giao Phòng Dân tộc) là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các xã cũng thành lập Ban quản lý thực hiện Chương trình cấp xã theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Những kết quả thực hiện dự án 1 từ 2022 đến tháng 9/2024

 Kết quả rà soát nhu cầu hỗ trợ Dự án 1: Theo số liệu tổng hợp xây dựng đề án, tổng nhu cầu hỗ trợ các nội dung của Dự án 1 giai đoạn 2021 - 2025 là 5.001 lượt hộ; trong đó: Về đất ở 739 hộ; về nhà ở 1.290 hộ; về đất sản xuất 1.330 hộ; về chuyển đổi nghề 956 hộ; nước sinh hoạt phân tán 686 hộ; nhu cầu đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Kết quả huy động nguồn vốn thực hiện Dự án 1: Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Dự án 1 trong 03 năm (từ 2022 đến tháng 11/2024) là 73.805 triệu đồng (ĐTPT: 53.672 triệu đồng; SN: 20.133 triệu đồng), cụ thể:  Năm 2022: Tổng kế hoạch vốn giao là  20.936 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 20.936 triệu đồng vốn đầu tư phát triển. Ngân sách địa phương: Không. Năm 2023: Tổng kế hoạch vốn giao là 32.563 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 30.070 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 19.718 triệu đồng, vốn sự nghiệp 10.352 triệu đồng); Ngân sách địa phương: 2.493 triệu đồng (ĐTPT: 2.426 triệu đồng; SN: 67 triệu đồng). Năm 2024: Tổng kế hoạch vốn giao là 22.079 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 19.243 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 10.974 triệu đồng, vốn sự nghiệp 8.269 triệu đồng); Ngân sách địa phương: 2.836 triệu đồng (ĐTPT: 2519 triệu đồng; SN: 317 triệu đồng).

Đến nay, đã giải ngân 69.092/73.805 triệu đồng, đạt 93,64% kế hoạch, (trong đó: vốn đầu tư phát triển: 50.710/53.672 triệu đồng, đạt 94,6%; vốn sự nghiệp 18.382/20.133 triệu đồng, đạt 91,3%).

Kết quả thực hiện các nội dung của Dự án 1: Hỗ trợ đất ở: Tổng vốn giao 18.637 triệu đồng (ngân sách Trung ương 16.637 triệu đồng, ngân sách địa phương: 2.000 triệu đồng). Đã giải ngân 15.880/18.637 triệu đồng, đạt 85,21%. Đến nay các địa phương đã hoàn thành công tác tạo mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, phân lô cấp đất ở cho 220 hộ dân/220 lô đất, cụ thể: xã Phước Hà, huyện Thuận Nam (50 lô đất); thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc (146 lô đất); thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (24 lô). Về nhà ở: Tổng vốn giao là 20.935 triệu đồng (ngân sách Trung ương 18.016 triệu đồng, ngân sách địa phương: 2.919 triệu đồng). Đã giải ngân 20.935/20.935 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch; đã hỗ trợ xây dựng 354 căn nhà ở cho 354 hộ nghèo của 02 huyện Ninh Sơn và Bác Ái (Ninh Sơn 226 căn, Bác Ái 128 căn). Hỗ trợ đất sản xuất: Do chưa tìm được quỹ đất, các địa phương đã chuyển sang hình thức chuyển đổi nghề. Tổng kinh phí được giao là 18.354 triệu đồng (ngân sách Trung ương 17.977 triệu đồng, ngân sách địa phương: 377 triệu đồng). Đã giải ngân 17.273/18.354 triệu đồng, đạt 94,11% kế hoạch; hỗ trợ các nội dung như: Hỗ trợ cho 2.257 hộ nghèo (trong đó: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi 1.383 hộ; mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp 547 hộ); tổ chức học nghề cho 327 người. Hỗ trợ nước sinh hoạt: Tổng vốn giao là 15.879 triệu đồng. Đã giải ngân 15.004/15.879 triệu đồng, đạt 94,49%. Thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 639 hộ; xây dựng 07 hạng mục công trình nước sinh hoạt tập trung.

Một số khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình

Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các Dự án của Chương trình, nhiều quy định, hướng dẫn mới, khó thực hiện trong khi văn bản hướng dẫn của Trung ương đối với một số nội dung chưa kịp thời, nên quá trình triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều lúng túng, ảnh hưởng tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Dự án thuộc Chương trình tại địa phương. Mặt khác, để tổ chức triển khai thực hiện các Dự án, theo quy định UBND tỉnh phải trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết tại kỳ họp HĐND, trên cơ sở đó UBND tỉnh có quyết định giao vốn cho các địa phương. Sau khi vốn được phân bổ các địa phương mới thực hiện ngay các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án theo quy trình, thủ tục đầu tư công nên mất rất nhiều thời gian. Các hướng dẫn từ các Bộ, ngành trung ương, cụ thể như: Đến ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1. Bên cạnh đó, công tác rà soát đối tượng hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán của cấp xã, thôn còn chậm; nội dung hỗ trợ học nghề, qua rà soát các đối tượng một số địa phương gặp khó khăn, nguyên nhân đối tượng đã được ưu tiên đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Vốn sự nghiệp năm 2022 giao chậm; đến tháng 6/2022 Bộ Tài chính mới ban hành Quyết định giao vốn sự nghiệp của Chương trình. Quy định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và không theo dự án chậm được ban hành. Các địa phương gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thấp, không đủ kinh phí để xây dựng nhà ở đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung cứng và mái cứng theo quy định.

Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai thực hiện Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - ax hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao đời sống đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận. Việc triển khai thực hiện linh hoạt lồng ghép các Chương trình MTQG, bảo đảm mục tiêu đưa dự án đến với đối tượng thụ hưởng về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Ghi nhận kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận về nâng mức hỗ trợ về xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề và mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung của Dự án 1. Các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương cần phối hợp hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, chính sách để hướng đến mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế ổn định, an cư trong những ngôi nhà mới và chuyển đổi nghề phù hợp theo nhu cầu.

Quốc Hiển

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều