Yên Bái giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những nỗ lực này đã  tạo nền tảng quan trọng để nâng cao đời sống đồng bào DTTS và ổn định xã hội.
Yên Bái nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở cho đồng bào DTTS (Ảnh: Báo Pháp luật)

Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, và đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở địa phương, tỉnh Yên Bái đã triển khai các chính sách và chỉ đạo cụ thể. Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-UBDT, hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc Chương trình, giai đoạn 2021-2025. Thông tư tập trung vào việc hỗ trợ nhà ở và đất sản xuất cho hộ nghèo DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Cụ thể, các hộ chưa có nhà ở hoặc có nhà ở hư hỏng sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà từ ngân sách nhà nước, trong khi các hộ thiếu trên 50% đất sản xuất sẽ được xem xét hỗ trợ đất nếu có quỹ đất, hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề nếu không có đất.

Ngày 12/4/2023, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Chính sách này bao gồm việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, nhằm đảm bảo cải thiện điều kiện sống cho các hộ gia đình DTTS khó khăn tại các huyện nghèo như Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Cụ thể, các hộ DTTS tại vùng núi cao được hỗ trợ thêm 10-20 triệu đồng/nhà xây mới từ ngân sách tỉnh, bên cạnh mức hỗ trợ 40 triệu đồng từ ngân sách trung ương theo Chương trình. Ngoài ra, các hộ đủ điều kiện cũng nhận hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp nhà ở với mức kinh phí từ 25 - 30 triệu đồng tùy vào từng địa phương. Những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không tự xây dựng nhà ở sẽ được huy động sự giúp đỡ từ cộng đồng và các nguồn lực khác để đảm bảo việc hoàn thành nhà ở mới.

Tỉnh Yên Bái cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã để rà soát và xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, đặc biệt là các hộ làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất ở hoặc đất sản xuất.

Trong năm 2023, thông qua Chương trình, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ xây dựng 828 căn nhà cho các hộ nghèo và cận nghèo. Dự kiến trong năm 2024, Chương trình tiếp tục hỗ trợ làm mới 653 căn nhà với tổng kinh phí 35,9 tỷ đồng, bao gồm 26,1 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 9,8 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa.

Trạm Tấu là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, có địa hình đồi núi dốc, đồng bào DTTS sinh sống phân tán trên các triền núi cao, thời gian qua huyện đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở cho đồng bào địa phương. UBND huyện Trạm Tấu đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình, phân công nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch chi tiết. Trong năm 2023, huyện đã hoàn thành xây dựng 369 nhà (296 nhà mới và 73 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 19.950 triệu đồng. Năm 2024, huyện dự kiến tiếp tục xây dựng 386 nhà (285 nhà mới và 101 nhà sửa chữa) với kinh phí 20.130 triệu đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ nhà ở, huyện Trạm Tấu còn chú trọng việc di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hoặc các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ quét, sạt lở đất ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Chính quyền địa phương đã tích cực tìm kiếm đất cho các hộ di cư và vận động người dân hiến đất hoặc đổi đất ở lấy đất sản xuất. Các chính sách này thể hiện sự đoàn kết và truyền thống "tương thân tương ái" trong cộng đồng.

Tại huyện Lục Yên, UBND huyện đã tổ chức rà soát những hộ thuộc đối tượng của Đề án, lựa chọn những hộ khó khăn nhất và có nhu cầu cấp thiết nhất, tuyên truyền vận động các gia đình cố gắng huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát; ban hành Kế hoạch thực hiện. Theo đó, đã duyệt hỗ trợ 183 nhà gồm: làm mới 167 nhà, sửa chữa 16 nhà. Tổng kinh phí hỗ trợ là 8.750 triệu đồng, thuộc các nguồn từ Chương trình; nguồn ngân sách tỉnh và nguồn huy động hợp pháp khác.

Trong năm qua, huyện Mù Cang Chải một trong những huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái hỗ trợ làm nhà ở cho 367 hộ nghèo, cận nghèo (234 nhà làm mới và 133 nhà sửa chữa) và 36 nhà theo nguồn xã hội hóa… Xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, là xã đặc biệt khó khăn, nhờ hỗ trợ của Chương trình, diện mạo của xã đã có nhiều thay đổi tích cực. Trong năm 2023, nhiều gia đình tại xã đã nhận được sự hỗ trợ về nhà ở. Nhờ khoản hỗ trợ 50 triệu từ Nhà nước và các nguồn lực huy động khác, nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng, giúp các hộ dân không chỉ có nơi ở an toàn mà còn có điều kiện tập trung vào sản xuất, chăn nuôi để cải thiện đời sống và tăng thu nhập.

Để đạt được những kết quả trên, các cấp, các ngành, địa phương đã cùng chung tay vào cuộc. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh và MTTQ các cấp đã phát huy vai trò tập hợp, xây dựng, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, từ đó giúp vận động, huy động được nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm, dột nát cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, MTTQ còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và đảm bảo quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ của chương trình đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Qua đó, không chỉ tăng cường hiệu quả của Chương trình mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giúp đồng bào DTTS và miền núi từng bước thoát nghèo và phát triển bền vững.

Trong quá trình triển khai Dự án 1, tỉnh Yên Bái đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề quỹ đất sạch để giao đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Hiện tại, quỹ đất này còn thiếu, không tập trung, manh mún và cách xa nơi ở của người dân, gây khó khăn trong việc bố trí đất phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống của đồng bào. Việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất giữa các hộ dân cũng gặp trở ngại do diện tích đất nhỏ lẻ, dưới hạn mức cho phép tách thửa, khiến quá trình thực hiện Dự án bị kéo dài.

Đối với các trường hợp tách thửa từ việc nhận thừa kế, tặng cho đất, tỉnh Yên Bái gặp nhiều vướng mắc do diện tích đất quá nhỏ, không đủ điều kiện tách thửa theo quy định hiện hành. Ngoài ra, diện tích đất trả lại từ các nông, lâm trường quốc doanh cho địa phương quản lý chủ yếu có nguồn gốc từ đất rừng tự nhiên, diện tích nhỏ lẻ và không tập trung, gây khó khăn trong việc giao đất cho các hộ dân thiếu đất sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Yên Bái đã kiến nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương quyền quyết định trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương, nhằm linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu thực tế và nâng cao hiệu quả giải ngân. Tỉnh cũng đề xuất bổ sung quy định về việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đất lúa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều