Công cụ sắc bén thực thi kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 11/7 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây là Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa đường lối công tác cán bộ tại Đại hội XIII của Đảng. Đó là “thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm...”[1]. Quy định 114 - QĐ/TW thay thế cho Quy định 205 -QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Một số điểm đổi mới quan trọng

So với Quy định 205-QĐ/TW, Quy định 114-QĐ/TW đều được nâng tầm cao hơn, rộng hơn, toàn diện và sâu sắc hơn về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nếu phạm vi điều chỉnh của Quy định 205-QĐ/TW chỉ gồm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, thì trong Quy định 114-QĐ/TW ngoài việc kế thừa và nâng trách nhiệm kiểm soát quyền lực còn mở rộng quy định ra toàn bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (không chỉ bó hẹp trong 2 hành vi chạy chức và chạy quyền).

Một điểm mới rất quan trọng nữa, đó là Quy định 114 - QĐ/TW điều chỉnh, quy định xử lý toàn bộ các hành vi sai phạm thành một chương (Chương IV- Xử lý vi phạm), chứ không chỉ một điều (Điều 13) như Quy định 205-QĐ/TW.

Về đối tượng áp dụng, Quy định 205-QĐ/TW chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ, còn Quy định 114-QĐ/TW, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ. Nghĩa là phạm vi rộng hơn và nhấn mạnh thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có vai trò trong công tác cán bộ.

Về các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Quy định 205-QĐ/TW và Quy định 114-QĐ/TW đều chỉ rõ, ngoài bản thân nhân sự còn có 5 loại tổ chức, cá nhân có thể có khả năng có hành vi tiêu cực. Đó là: Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; Thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; Người đứng đầu các cơ quan tham mưu; Cán bộ tham mưu, đề xuất. Tùy theo nhân sự cụ thể “ưa hay không ưa” (có lợi cho mình hay bất lợi cho mình) mà các tổ chức, cá nhân nói trên có tác động ủng hộ hay không ủng hộ việc có hành vi tích cực hay tiêu cực.

Quy định 114-QĐ/TW đã quy định rõ ràng 3 nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Một là nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn (Điều 3). Điều này chỉ rõ 8 tiểu nhóm hành vi cụ thể về lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Các hành vi được kế thừa bao gồm, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền được quy định tại Điều 11 của Quy định 205-QĐ/TW, đồng thời bổ sung một số hành vi mới thể hiện tại các khoản 3, 4, 6 Điều 3 của Quy định 114-QĐ/TW. Đó là lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ... đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc quy định, quy trình, quy chế, quyết định. Khi nhận được đơn, thư phản ảnh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Hai là nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền (Điều 4). Trước hết phải nói rằng, các hành vi chạy chức, chạy quyền của nhân sự được thể hiện tại Điều 10 Quy định 205-QĐ/TW là cực kỳ nghiêm trọng và hiện tại vẫn tiếp diễn. Do vậy tại Điều 4, Quy định 114-QĐ/TW kế thừa toàn bộ các hành vi đó và thể hiện lại trong 6 tiểu nhóm hành vi cụ thể. Trong đó bổ sung (mới) hành vi, “chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, (để) có được chức vụ, quyền lợi” (Khoản 3).

Ba là, nhóm các hành vi tiêu cực khác (Điều 5). Tại điều này, Quy định 114-QĐ/TW chỉ rõ 5 tiểu nhóm hành vi cụ thể, trong đó chỉ kế thừa một tiểu nhóm hành vi là “gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự” (Khoản 1). Còn 4 tiểu nhóm hành vi cụ thể hoàn toàn mới, bao gồm: Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý (Khoản 2); làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ (Khoản 3); báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lý lịch bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực (Khoản 4); trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ (khoản 5).

Kiểm soát quyền lực nghiêm ngặt, chặt chẽ

Như trên đã trình bày, ngoài nhân sự ra còn 5 tổ chức, cá nhân khác có thể có khả năng tác động hai chiều đến nhân sự trong công tác cán bộ. Vì vậy, trong Chương III - Trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Quy định 114-QĐ/TW đã xác lập cơ chế vận hành các công việc đối với một tổ chức, hoặc là “cá thể hóa” trách nhiệm đến từng chủ thể, cá nhân có thể có tác động đến nhân sự. Phương pháp quy định này mang tính khoa học quản lý, mỗi công việc đều có địa chỉ và có người chịu trách nhiệm rõ ràng, không ai có thể tự ý nhận thành tích của người khác, và cũng không ai có thể đổ lỗi của mình cho người khác. Vì thế, đây cũng là cách thức phòng ngừa sai sót, khuyết điểm có hiệu lực, hiệu quả trong công tác cán bộ.

Có thể thấy rõ các quy định như thế trong một vài trường hợp. Đó là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo trong công tác cán bộ, có 5 vấn đề về trách nhiệm, trong đó có 2 vấn đề thuộc cơ chế ràng buộc. Cụ thể, từ nay, “không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương (Khoản 5 Điều 6); trường hợp đặc biệt, phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Và, phải “chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu hoặc khi cần thiết” (khoản 4 Điều 6).

Đó là trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, gồm 5 vấn đề được “cá thể hóa” đến trách nhiệm từng cá nhân. Trong đó có cụm các công việc, “chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất, nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền được phân công theo dõi, quản lý” (Khoản 2, Điều 7). Và “chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền được giao phụ trách” (Khoản 4, Điều 7).

Đó là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạotrách nhiệm của cơ quan tham mưu công tác cán bộ: Người đứng đầu đồng thời cũng là thành viên của một tổ chức đảng hay tập thể lãnh đạo nên trước hết phải chịu trách nhiệm cá nhân thực hiện toàn bộ Điều 7, đặc biệt là Khoản 2 (không bố trí người có quan hệ gia đình...). Đồng thời, phải tổ chức thực hiện toàn bộ 5 nhóm vấn đề được quy định tại Điều 8, trong đó có nhiệm vụ đầu tiên là, “chỉ đạo chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm Khoản 5, Điều 6 Quy định này. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ”.

Còn người đứng đầu cơ quan tham mưu công tác cán bộ phải “chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo đối với đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định nhân sự, hồ sơ nhân sự, giám sát quy trình nhân sự” (Khoản 2, Điều 9). Cán bộ tham mưu nhân sự phải, “chịu trách nhiệm về đề xuất của mình và thẩm định hồ sơ nhân sự kịp thời, đầy đủ, chính xác. Báo cáo bằng văn bản với cấp có thẩm quyền về nhân sự và phương án nhân sự thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi” (Khoản 2, Điều 10).

Cán bộ tham mưu, người đứng đầu cơ quan tham mưu công tác cán bộ (Phòng, Ban, Vụ, Cục...) tuy không phải là nơi quyết định cuối cùng, nhưng lại là nơi khởi phát đầu tiên của một công việc lớn, vô cùng quan trọng theo nghĩa “đầu xuôi đuôi lọt”. Bởi vậy, Quy định 114-QĐ/TW đã nghiêm cấm triệt để các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác nhân sự; nghiêm cấm các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi tiêu cực khác ngay từ công đoạn đầu tiên và suốt cả quy trình.

Còn khi đã vi phạm (tham nhũng, tiêu cực) trong công tác cán bộ thì phải “xử lý vi phạm” theo quy định tại Chương IV. Sau khi cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý sai phạm thì áp dụng các biện pháp sau: Bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm; sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Với những nội dung trên đây, Quy định 114-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã trở thành một trong những công cụ sắc bén để thực thi kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị nói chung.

_______

[1] Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tập I, trang 187-188

Theo Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều