UBND huyện tự ban hành chủ trương về các vị trí đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch
Ngày 22/7/2022, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kết luận thanh tra số 960/KL-TTr về việc thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất có liên quan đến các công trình điện mặt trời. Kết luận đã được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tại Văn bản số 6572/UBND-NC ngày 31/8/2022.
Thời gian qua trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư các công trình nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Diện tích đất của 41 công trình điện mặt trời áp mái trang trại trên địa bàn huyện đã được cập nhật vào hồ sơ địa chính để theo dõi, quản lý theo quy định, đồng thời lập thủ tục để bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 -2030.
Quá trình xác minh, Thanh tra tỉnh đã phát hiện một loạt bất cập liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất có liên quan đến các công trình điện mặt trời và quản lý đầu tư xây dựng. Cụ thể:
“Về công tác quản lý, sử dụng đất có liên quan đến các công trình điện mặt trời: Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của UBND huyện Đạ Tẻh không thể hiện chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác đối với các công trình trang trại lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhưng UBND huyện đã có chủ trương đồng ý cho thực hiện đăng ký biến động đất đai từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác tại các vị trí chưa có trong quy hoạch, kế hoạch mà chưa xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn là chưa phù hợp.
Có 38 trạm biến áp, diện tích xây dựng từ 19m2 đến 30m2 được xây dựng trên đất nông nghiệp khác trong khi đất chưa được chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp nhưng chưa được UBND huyện Đạ Tẻh và UBND các xã kịp thời xử lý”.
|
Thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất có liên quan đến các công trình điện mặt trời.
|
Hàng chục công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thẩm định quyết toán vốn
Đối với việc quản lý đầu tư xây dựng. Thông báo Kết luận cho thấy: “Việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện năm 2021 chưa cao, giá trị giải ngân chỉ đạt tỷ lệ 78% so với kế hoạch vốn được bố trí; tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu đạt thấp, bình quân của các năm là 0,3%; còn 33 công trình đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thẩm định quyết toán vốn dự án hoàn thành theo quy định của Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước (trong đó: chậm quyết toán án hoàn thành trên 12 tháng là 10 công trình, từ 01 đến 04 tháng là 21 công trình).
Công tác khảo sát, lập, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng còn hạn chế, sai sót. Qua thanh tra 14 công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện, có 11/14 công trình, dự án tính sai khối lượng giữa dự toán và thiết kế, áp dụng mã định mức, đơn giá dự toán chưa phù hợp thực tế dẫn đến giá trị thanh, quyết toán lớn hơn quy định với số tiền 941,783 triệu đồng là chưa thực hiện đúng khoản 1 Điều 132 Luật Xây dựng: “Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ theo từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng và mặt bằng giá thị trường”.
Công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công của các chủ đầu tư cho các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công chưa đúng khối lượng thực tế với số tiền 1.180,943 triệu đồng là chưa thực hiện đúng Điều 33 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: “Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng” (nay là khoản 2 Điều 17 Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng).
Tổng giá trị nghiệm thu, thanh, quyết toán không đúng quy định đối với 14 công trình phát hiện qua thanh tra là 2.122,726 triệu đồng (đã bao gồm giá trị dự toán tính sai).
Sau khi giảm trừ thuế GTGT 187,669 triệu đồng, giảm trừ số tiền 23,134 triệu đồng thi công bổ sung hạng mục láng sênô, mái hắt, máng nước và quét dung dịch chống thấm mái, tường, sênô để đảm bảo hiệu quả sử dụng đối với công trình Trường Mầm non Họa Mi (trong quá trình thanh tra, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện và các đơn vị có liên quan đã thực hiện khắc phục), số tiền Thanh tra tỉnh ban hành quyết định thu hồi là 1.911,923 triệu đồng”.
Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực được phân công…
Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nhấn mạnh đến việc: “Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thẩm tra, thẩm định, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công còn hạn chế trong việc áp dụng các chế độ, định mức về quản lý đầu tư xây dựng, công tác giám sát thi công công trình nên dẫn đến các tồn tại, hạn chế trong công tác lập hồ sơ, thẩm định, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình.
Công tác phối hợp giữa các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện còn chưa chặt chẽ, chưa chủ động hướng dẫn, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và quyết toán dự án hoàn thành”.
|
Các dự án điện mặt trời trên địa bàn huyện Đạ Tẻh còn tồn tại nhiều hạn chế. Ảnh minh hoạ |
Thanh tra tỉnh khẳng định: “Trách nhiệm để xảy ra các tồn tại, hạn chế qua thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất có liên quan đến các công trình điện mặt trời trên địa bàn huyện thuộc về Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực được phân công, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đạ Tẻh trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (nay là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện); Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Chủ tịch UBND các xã: An Nhơn, Triệu Hải, Đạ Lây, Mỹ Đức, Đạ Pal, Quốc Oai là những địa phương có công trình điện mặt trời áp mái trang trại; Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch, các chủ đầu tư được giao thực hiện các công trình, dự án và các nhà thầu tư vấn, xây dựng...”.
Liên quan đến việc Thanh tra tỉnh kiến nghị tới UBND tỉnh xử lý các cá nhân, tổ chức, trong đó có Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND huyện liên quan cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ được chúng tôi tiếp tục phản ánh trong số báo tới.
Khắc Hạnh