Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương. Qua kiểm tra đã phát hiện 77 đơn vị vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch. Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI năm 2022 cũng cho thấy, chưa có nhiều chuyển biến tích cực ở khía cạnh công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai. Mức độ công khai thông tin về kế hoạch sử dụng đất thường niên cho thấy, năm 2022 chỉ có 49% trong số 704 quận, huyện thực hiện công khai kế hoạch đất đai hàng năm; chất lượng phổ biến thông tin về kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương chưa đạt yêu cầu về công khai thông tin, thiếu rõ ràng, thiếu giải trình cụ thể.
Thực tế cho thấy, việc thiếu minh bạch trong các khâu thực hiện giải quyết thủ tục hành chính là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tuy vậy, điều này hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân.
Đây là tồn tại, điểm nghẽn đã từng xuất hiện nhiều lần trong các kỳ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua. Do đó, đúng như nhận định của Ủy ban Tư pháp khi cho rằng những hạn chế này đều là những hạn chế không mới, đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa có nhiều chuyển biến. Câu hỏi đặt ra là, vì sao những hạn chế cố hữu này vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực còn bộc lộ nhiều thiếu sót, chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng ngừa. Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo. Trong khi đó, năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm không dám lên tiếng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn tồn tại, hạn chế, tạo ra các điều kiện, thủ tục hành chính bất hợp lý, các đối tượng có thể bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, yêu cầu đầu tiên phải làm cho tốt công tác phòng ngừa. Phòng ngừa tốt sẽ ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực xảy ra; ngăn chặn được thiệt hại tài sản của Nhà nước, bảo vệ được đội ngũ cán bộ. Theo đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu... Cùng với đó, xử lý nghiêm minh trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng do buông lỏng quản lý. Có như vậy mới không còn tình trạng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng "đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa có nhiều chuyển biến".