Để góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, trong thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chú trọng các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện Kế hoạch số 410/KH-MTTW-BTT ngày 25/2/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022; Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 9/2/2022 và Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 25/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 119/KH-MTTQ-BTT ngày 25/2/2022 về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 để triển khai thực hiện trong hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở.
Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác giám sát, vận động Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo, kiến nghị các hành vi, biểu hiện tham nhũng. Về hình thức tuyên truyền phổ biến phong phú, đa dạng như: Lồng ghép vào các buổi diễn đàn, hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt định kỳ của các tổ, nhóm, câu lạc bộ; trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh, Trạm truyền thanh, các loại báo, tạp chí, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức lồng ghép tuyên truyền được 924 cuộc với 33.685 lượt người tham dự, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; phát huy tốt vai trò giám sát, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gửi đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý đúng theo quy định.
Thực hiện công tác tham gia xây dựng, góp ý và phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã góp ý, phản biện xã hội trên 235 văn bản có liên quan đến dự thảo về dự án luật, đề án, chương trình, kế hoạch của địa phương, như: Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 1/10/2021 quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động thực hiện việc góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan nhà nước cùng cấp; đưa các chuẩn mực về nếp sống cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên sinh sống trên địa bàn vào quy ước của khu dân cư, để góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 117/KH-MTTQ-BTT ngày 18/2/2022 về giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức thành lập 81 Đoàn giám sát 109 cơ quan tổ chức, đơn vị liên quan đến những vấn đề trong quá trình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.
|
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, tháng 4/2023. Ảnh: PV |
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức 2 cuộc giám sát gồm: Giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh; giám sát việc triển khai thực hiện công tác cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) và hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI) trên địa bàn tỉnh (năm 2021 đến tháng 8/2022); tổ chức kiểm tra trực tiếp công tác vận động, quản lý, sử dụng quỹ “Vì người nghèo” và công tác cứu trợ các cấp trong tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021 tại một số xã và các huyện trên địa bàn tỉnh. Sau mỗi đợt kiểm tra, giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát và kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp ở một số đơn vị, địa phương thời gian qua gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Những kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tiếp thu và trả lời; đồng thời, thường xuyên theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát nhiều chuyên đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Công tác Mặt trận ấp, khóm phát huy vai trò nòng cốt, là chỗ dựa để Nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật và giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Trong năm 2022, Ban Thanh tra nhân dân giám sát được 286 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 371 công trình, dự án với nhiều nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Ban Thanh tra nhân dân giám sát nhiều nội dung theo quy định của Nghị định 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát chủ yếu những công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Hội đồng nhân dân cùng cấp giám sát nhiều chuyên đề trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Qua giám sát, nhìn chung các công trình cơ bản thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng theo như thiết kế ban đầu; tuy nhiên, cũng đã phát hiện một số sai phạm chủ yếu liên quan đến việc nhà thầu vi phạm về tiến độ thi công, chất lượng một số công trình chưa đảm bảo...
Ngay sau khi giám sát, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã báo cáo với cấp ủy, phối hợp với chính quyền chỉ đạo đơn vị thi công kịp thời khắc phục sửa chữa, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Thường xuyên rà soát, kiện toàn, đổi mới tổ chức và hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo hướng sát với điều kiện và yêu cầu thực tế tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát huy tốt vai trò giám sát và thực sự là “tai mắt của Nhân dân” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở. Hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận phát huy vai trò giám sát của người dân, nhất là trong việc giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, những dấu hiệu bất minh trong thu nhập, tài sản, nhà đất... Tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức, đảng viên về đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh duy trì thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại cơ quan để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân và kịp thời phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến của người dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết.
Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết để Nhân dân biết, đồng thời định hướng dư luận xã hội theo quan điểm đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp 24 lượt công dân tại cơ quan, nhận 26 đơn thư yêu cầu khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và cơ sở tiếp nhận 148 đơn khiếu nại của công dân, qua đó đã tuyên truyền về pháp luật, vận động công dân chấp hành pháp luật và hướng dẫn công dân và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng đoàn và Chi ủy chi bộ, sự tích cực của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Việt Nam tỉnh trong công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, giáo dục chính trị tư tưởng, cho cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan về ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua đó, nhận thức của cán bộ, công chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở được nâng cao, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật phòng, chống tham nhũng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đôi lúc chưa được thường xuyên. Công tác phối hợp của Mặt trận Tổ quốc với các ngành chức năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chưa thật sự chặt chẽ, nên hiệu quả đôi lúc chưa cao. Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tiếp tục chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, Phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành chức năng chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp; đồng thời tuyên truyền tới đông đảo Nhân dân để thực hiện có kết quả công tác này.
Hai là, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Triển khai thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh giám sát đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
Ba là, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và nhân sự để bảo đảm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có đủ năng lực để tham gia thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo hướng: Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức thành viên, thống nhất hành động; tăng cường sự độc lập của Mặt trận và các tổ chức thành viên với các cơ quan, đơn vị, tổ chức là đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc; phát huy vai trò quan trọng của các cấp Hội Luật gia, Đoàn Luật sư; các Hội đồng tư vấn tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Bốn là, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Công tác Mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường hòm thư góp ý để phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng. Tăng cường công tác giám sát phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng vận động Nhân dân tham gia giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật, đặc biệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò của các tầ̀ng lớp nhân dân tham gia có hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, coi trọng hơn nữa việc phát huy dân chủ, thực hiện tốt công khai và minh bạch thông tin; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; có hình thức, biện pháp khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có đóng góp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước hướng hoạt động nhiều hơn về cơ sở, đến từng hộ dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đi sát để hiểu tâm tư, nguyện vọng Nhân dân, phát huy, nhân rộng những sáng kiến tích cực, vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, vừa quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2013), Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về banh hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
2. Bộ Chính trị (2013), Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
3. Quốc hội (2015), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
4. Quốc hội (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
5. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2018), Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/NQ-MTTW-UB ngày 22/1/2018 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tập 2.
Phạm Thị Mỹ Linh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu