Đối tượng, nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Quyết định số 217- QĐ/TW, số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN giữa Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo đó, quyền, trách nhiệm, hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc với tư cách là chủ thể giám sát và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương trong việc phối hợp, bảo đảm điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện công tác giám sát, phản biện được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt thời gian gần đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là “kim chỉ nam” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện ngày càng hiệu quả.
Đến nay, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hoạt động giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tuy chưa được luật hóa, nhưng đã có cơ chế, chính sách, pháp luật với giá trị pháp lý nhất định để Mặt trận Tổ quốc, Nhân dân thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Dân, do Dân, vì Dân ngày càng vững mạnh.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, xác định được vai trò quan trọng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt kết quả nhất định.
Ngay khi có Quyết định số 217- QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Hướng dẫn số 18-HD/TU ngày 7/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 27/11/2014 về việc đẩy mạnh thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”...
Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành nhiều quy định về cơ chế, nội dung, kinh phí, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo quy định. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai thực hiện có kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội.
Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, yêu cầu thực tiễn đặt ra, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội, báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra hàng năm để có sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung, chủ thể giám sát.
Các lĩnh vực, nội dung giám sát được lựa chọn đảm bảo sát với những vấn đề đông đảo Nhân dân quan tâm liên quan đến đời sống xã hội, liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền, của công dân; trên cơ sở đảm bảo với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội và tổ chức thực hiện đạt kết quả.
Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc linh hoạt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn. Qua giám sát, đã kịp thời phát hiện bất cập, hạn chế, tồn tại, đề xuất kiến nghị để các cấp, các ngành chỉ đạo, có giải pháp khắc phục, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
|
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao quà cho các hộ gia đình chính sách trong “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2023 tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
ẢNH: THU CHUNG
|
Từ năm 2021 đến nay, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, với cách làm linh hoạt, hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức và triển khai hoàn thành đạt kết quả các cuộc giám sát chuyên đề, điển hình là:
(1) Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn khắc phục ngay các hạn chế, tồn tại trong từng khâu, từng bước triển khai công tác bầu cử, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 99,95% (cao nhất so với 4 kỳ bầu cử gần đây), đã tổ chức bầu đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần theo dự kiến.
(2) Giám sát toàn diện chất lượng tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh, được triển khai giám sát ở cả 3 cấp (xã, huyện và tỉnh). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại 21 đơn vị cấp xã và 7 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh, qua đó đánh giá toàn diện, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và thực trạng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua giám sát đã kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong thời gian tới.
(3) Giám sát việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm nâng cao điểm số, duy trì thứ hạng đứng đầu của Chỉ số PAPI. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đều thành lập đoàn giám sát để triển khai giám sát ở 12 thôn, khu dân cư thuộc 6 đơn vị cấp xã tại 3 địa phương. Thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên (đây là những địa phương được lựa chọn lấy phiếu khảo sát, đánh giá) để nắm tình hình Nhân dân, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ tại các xã, phường được lấy phiếu, kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia, lấy phiếu khảo sát PAPI đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng đứng đầu Chỉ số PAPI trong các năm 2020, 2022.
(4) Quan tâm hơn cả là hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử tại nơi làm việc và nơi cư trú. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đều xây dựng và triển khai các cuộc giám sát chuyên đề đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đại biểu dân cử đạt kết quả, cụ thể:
Năm 2021, lần đầu tiên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh giám sát nội dung này. Cuộc giám sát đã tiến hành kết hợp hai hình thức giám sát: Giám sát thông qua báo cáo và giám sát trực tiếp tại 12/13 huyện, thị xã, thành phố (không giám sát huyện Cô Tô) đối với 36 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gồm 10 đồng chí Chủ tịch, 26 đồng chí Phó Chủ tịch); cuộc giám sát được các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ghi nhận đánh giá cao; nhiều nội dung hạn chế, tồn tại được chỉ ra để khắc phục ngay sau giám sát nhất là về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác phòng, chống tham nhũng và thực hiện nghĩa vụ của người đảng viên nơi công tác và nơi cư trú.
Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã triển khai giám sát đối với 61 đồng chí là Giám đốc, Phó Giám đốc 16 sở, ban, ngành và tương đương. Sau giám sát đã kiến nghị cá nhân các đồng chí được giám sát quan tâm xây dựng lộ trình và các giải pháp đề khắc phục những tồn tại, hạn chế mà đoàn giám sát đã chỉ ra, trong đó cần phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước tại nơi làm việc, nơi cư trú.
Cần quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt triển khai Nghị quyết; chỉ đạo tổ chức sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên đề trong Chi bộ, Đảng bộ. Quan tâm sắp xếp bộ máy, tổ chức, biên chế đảm bảo đúng quy định, tinh gọn gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, công tác tuyển dụng đề bạt đúng quy trình, thẩm quyền, theo quy định.
Lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 59/2019/NĐ-CP; tăng cường thanh tra công vụ, công tác kiểm tra nội bộ...
Công tác giám sát tiếp tục được thực hiện trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức giám sát đối với 18 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại nơi làm việc và nơi cư trú về việc thực hiện trách nhiệm và Chương trình hành động của đại biểu tại nơi làm việc và nơi cư trú đối với 6 nội dung:
Trách nhiệm tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân; trách nhiệm tiếp xúc cử tri; trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân; Kết quả thực hiện Chương trình hành động của đại biểu đã hứa với cử tri; việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống và trách nhiệm nêu gương của đại biểu tại nơi làm việc và nơi cư trú. Hiện đang hoàn thiện Báo cáo giám sát theo quy định.
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm, trên cơ sở dự thảo các Đề án của tỉnh, chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã lựa chọn ít nhất 3 nội dung mà đông đảo cử tri, Nhân dân, đoàn viên, hội viên quan tâm để hiệp thương, thống nhất đưa vào Chương trình phản biện xã hội bằng hình thức tổ chức hội nghị hoặc tổ chức đối thoại và triển khai thực hiện tốt Chương trình đã đề ra.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng tiến hành phản biện bằng văn bản đối với các dự thảo Chương trình, Đề án của tỉnh; dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tham gia ý kiến vào các dự án luật, các nội dung khác khi được các cơ quan, đơn vị gửi xin ý kiến.
Qua đó, đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn trong hoạt động phản biện xã hội, đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân; góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Có thể khẳng định hoạt động giám sát, phản biện xã hội thời gian qua đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đạt kết quả, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Qua giám sát, phản biện xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền xem xét, quyết định trước khi ban hành các văn bản trong công tác lãnh đạo, quản lý đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và sự đồng thuận xã hội, đảm bảo tình hình an ninh trật tự; phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Qua thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân mang tính chất xã hội, nghĩa là tính bắt buộc không cao; hiệu quả của nó chỉ có thể phát huy tốt nếu có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, ngoài vai trò chủ động, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc trong việc xác định nội dung giám sát, phản biện xã hội thì công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc phải đặt dưới sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng; sự phối hợp tích cực, trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền; sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên các tổ chức tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hai là, việc lựa chọn được nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội cần kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm tình hình Nhân dân, dư luận xã hội để đề xuất nội dung phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà xã hội và Nhân dân đang quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng Chương trình kiểm tra giám sát chung của tỉnh, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, trọng tâm, tránh dàn trải, chồng chéo giữa các đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Nội dung giám sát, phản biện cần tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động tư pháp và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, những vấn đề dư luận quan tâm như: Giám sát cán bộ, đảng viên; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; vấn đề môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động trên địa bàn; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn (đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh...).
Ba là, cần bám sát vào quy định, quy chế và các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc hàng năm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, thời gian, tiến độ, đồng thời vận dụng linh hoạt cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nội dung, lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội. Phương thức tiến hành giám sát phải linh hoạt, hướng về cơ sở, chú trọng thu thập thông tin, tài liệu, số liệu minh chứng cho báo cáo giám sát đảm bảo tính chính xác. Thành phần đoàn giám sát, cần trưng dụng các tổ chức cơ quan, đơn vị có chuyên môn sâu, các chuyên gia, Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan, đơn vị phối hợp tham gia thành viên đoàn giám sát...
Bốn là, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải khách quan, trung thực, đầy đủ, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo khả thi và hiệu quả. Đồng thời, quan tâm theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị đối với các ý kiến góp ý, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện. Do giám sát của Mặt trận Tổ quốc mang tính nhân dân, nên trong quá trình giám sát khi phát hiện những vấn đề tồn tại, hạn chế cần kịp thời hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại.
Năm là, quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, có giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, nắm vững các kỹ năng cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Công tác Mặt trận. Tăng cường tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở thôn, khu để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; kịp thời đề nghị khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện.
Nguyễn Thị Ngân - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh