Lựa chọn phương pháp phối hợp phù hợp
Giám sát chuyên đề có phạm vi rộng, phong phú trên tất cả các lĩnh vực, thường đi vào khai thác nội dung tác động mạnh đến đời sống người dân và thực tiễn tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự của địa phương. Nhiều trường hợp đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, chuyên ngành về một hay nhiều lĩnh vực, trong khi chủ thể giám sát và cơ quan tham mưu không thể có đầy đủ kiến thức chuyên sâu trên các lĩnh vực. Do đó, cần có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm cung cấp thêm thông tin cho đoàn giám sát để phân tích, suy luận đa chiều, giúp cho việc đánh giá được toàn diện, chính xác, khách quan hơn.
Theo Khoản 3 Điều 88 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Điều 6 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ thể giám sát có quyền đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp hoạt động giám sát; cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị có trách nhiệm tham gia với đoàn giám sát cụ thể.
Thực tiễn chủ thể tham gia phối hợp trong hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND rất đa dạng, tùy thuộc vào nội dung giám sát. Thông thường, một cuộc giám sát chuyên đề gồm có các thành phần: các cơ quan có chức năng giám sát (như Thường trực HĐND, các Ban HĐND, MTTQ và HĐND cấp huyện theo địa phương được chọn); các cơ quan có chức năng tương tự kiểm tra, giám sát của Đảng (như Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy); cơ quan báo chí với vai trò nắm bắt thông tin và tuyên truyền cho hoạt động giám sát; các cơ quan quản lý nhà nước (ngoài cơ quan chịu sự giám sát). Tùy từng cuộc giám sát chuyên đề để có lựa chọn hình thức, phương pháp phối hợp bảo đảm tính phù hợp với nội dung như: đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu; đề nghị cử người tham gia đoàn giám sát tại các buổi làm việc hay khảo sát thực tế; đề nghị trao đổi, đánh giá thực trạng tình hình. Qua đó, từng vấn đề được Ban xem xét, có số liệu chứng minh và cách nhìn tổng quan, đánh giá khách quan, chính xác.
Nâng cao chất lượng các hình thức phối hợp
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, một số cơ quan, đơn vị được đề nghị còn thiếu tích cực trong phối hợp khi cung cấp thông tin, tài liệu chậm hoặc không đầy đủ; không cử người tham gia các hoạt động giám sát hoặc cử người thiếu trách nhiệm trong thực hiện, không đóng góp về mặt chuyên môn dẫn đến hoạt động giám sát chỉ tập trung cho cơ quan chủ trì giám sát. Nguyên nhân xuất phát từ việc cơ quan, đơn vị được đề nghị chưa thật coi trọng hoạt động giám sát chuyên đề với ý nghĩa theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật để kiến nghị kịp thời với các cấp, ngành nhằm khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Mặt khác, có thời điểm nhiều cơ quan cùng thực hiện chức năng giám sát nên cơ quan, đơn vị phối hợp không bố trí đủ người.
Vì vậy, để công tác phối hợp ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, cần phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong hoạt động giám sát để tránh trùng lắp, chồng chéo về nội dung, đối tượng và thời gian giám sát.
Ngay từ khi xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề, căn cứ vào nội dung để lựa chọn cơ quan, đơn vị cần phối hợp và dự kiến các mốc thời gian thực hiện sát thực tiễn để cơ quan, đơn vị phối hợp nắm được nội dung, chương trình và có kế hoạch bố trí người, thời gian tham gia. Cùng với đó, nâng cao chất lượng các hình thức phối hợp trong giám sát. Cụ thể, trước mỗi cuộc giám sát, chủ thể giám sát ban hành công văn giám sát gửi đến các cơ quan, đơn vị phối hợp, đối tượng chịu giám sát và kết hợp trao đổi trực tiếp qua điện thoại để bảo đảm cung cấp thông tin về nội dung, thời gian, địa điểm và trao đổi thẳng thắn về trách nhiệm phối hợp trong hoạt động giám sát. Quá trình thực hiện, đề nghị cơ quan, đơn vị phối hợp cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan, cử người tham gia các hoạt động giám sát hay chia sẻ quan điểm, nhận xét, đánh giá về vấn đề cần quan tâm.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh việc nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong hoạt động giám sát giữa các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc với cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, cụ thể hóa về nội dung, chương trình, kế hoạch công tác giữa các bên, định kỳ sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.