|
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Phiên họp 25, sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các ý kiến, trao đổi đã phân tích rõ hơn về khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch; đánh giá vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trách nhiệm phối hợp của các tổ chức thành viên, cơ quan có liên quan trong triển khai giám sát, phản biện xã hội.
Thảo luận tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc sơ kết, chuẩn bị dự thảo Báo cáo để trình tại Phiên họp với cách thức triển khai sơ kết khá bài bản, khoa học.
Ngay từ cuối năm 2022, nội dung này đã được chủ động đề xuất đưa vào chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đến tháng 4/2023 đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết; ngày 6/7/2023 đã tổ chức Hội nghị sơ kết và ngày 18/7/2023 có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ.
Nội dung dự thảo Báo cáo được xây dựng khá đầy đủ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền nghị quyết ở Trung ương và địa phương.
Công tác phối hợp, chia sẻ giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã thể hiện được tính hiệu quả trong hoạt động phối hợp giữa các bên.
Đồng tình với những đánh giá chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch 403, nhất là các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó cho thấy những cố gắng và kết quả đạt được của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần có những đánh giá, phân tích sâu sắc hơn về những vướng mắc, bất cập còn tồn tại để kiến nghị sửa đổi Nghị quyết liên tịch 403 phù hợp với quy định của pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị dự thảo Báo cáo nhấn mạnh hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận trong triển khai nhiệm vụ này và tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; qua đó làm nổi bật tính nhân dân, dân chủ, xây dựng và khoa học của hoạt động giám sát, phản biện.
Đồng thời, dự thảo Báo cáo cần có nội dung về quán triệt thể chế, chủ trương của Đảng trong giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ đó có đánh giá cụ thể về nhận thức, thái độ của các cơ quan hữu quan liên quan đến nhiệm vụ này, bởi thực tế cho thấy vấn đề này ở nhiều nơi chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự quan tâm, coi trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cho rằng quyết tâm của Mặt trận và việc phân công phối hợp giữa các chủ thể của công tác giám sát, phản biện là yếu tố quan trọng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, “nếu không có quyết tâm chính trị cao thì rất khó làm.”
Cùng với đó, Báo cáo cần nêu rõ chủ trương, kế hoạch của từng giai đoạn thực hiện để có định hướng dài hạn; hướng kiến nghị đối với những vấn đề có tính thời sự đang nổi lên, cũng như những phản ánh của cử tri, nhân dân và dư luận, thông tin báo chí.
Lưu ý vấn đề hình thức và cơ chế giám sát phản biện, trong đó có việc đối thoại trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần xem xét những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, tố cáo, các thông tin đại chúng liên quan tới khiếu nại, tố cáo và có nghiên cứu khảo sát cụ thể; quan tâm hơn tới vấn đề tổ chức bộ máy đội ngũ nhân sự và các điều kiện khác để triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội.
“Chúng ta không hành chính hóa việc này nhưng việc của toàn dân mà ủy thác cho một số cơ quan thì cũng phải có tổ chức, cơ chế, đầu mối mới làm được,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chế độ thông tin báo cáo định kỳ trong 6 tháng và hằng năm cần được thực hiện nghiêm túc, chưa kể báo cáo đối với các công việc đột xuất.
Ngoài trách nhiệm thông tin, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, ở chiều ngược lại, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các đơn vị chịu sự giám sát cần có thông tin phản hồi về việc thực hiện và kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng cần có sự phân công phối hợp trong thực hiện cơ chế này nhằm tạo chuyển động tích cực.
Cũng trong Phiên họp sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Báo cáo dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Dẫn nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhan-manh-chuc-nang-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-to-quoc/889383.vnp
Theo Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)