Các bị cáo vụ AIC thông thầu nghe chủ tọa tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký báo cáo của Chính phủ về tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Tạo dấu ấn rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng
Báo cáo cho thấy, hơn 10 qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo dấu ấn rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có mặt thuyên giảm.
Các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị ngày càng cao, hàng động mạnh mẽ, "không dừng," "không nghỉ," không có ngoại lệ. Vì vậy, chỉ số nhận thức về tham nhũng của Việt Nam do tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá ngày càng tăng. Nếu năm 2009, Việt Nam chỉ được 2.6/10 điểm, đứng thứ 120/180 quốc gia, thì đến năm 2021 đã đạt 39/100 điểm đứng thứ 87/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Đề cập đến các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, báo cáo cho biết, nhiều biện pháp đã phát huy hiệu quả. Việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từng bước đi vào nền nếp. Quy định về quy trình, thủ tục ngày càng hoàn thiện ở các khâu từ tổ chức kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghi định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã thiết lập hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và cụ thể hóa các cơ chế xác minh.
"Việc xác minh theo kế hoạch hằng năm đối với người kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên là bước đột phá, yếu tố quan trọng, cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới", báo cáo nhấn mạnh.
Trong 10 năm, đã có hơn 8,28 triệu lượt người kê khai tài sản, thu nhập, việc thực hiện kê khai đúng thời hạn đạt 99,5%; công khai đạt 93,03%. Các bộ, ngành, địa phương đã xác minh kê khai tài sản, thu nhập đối với 7.914 người; 162 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Nhiều quy định liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, đã được Chính phủ ban hành, với xu hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Nhờ đó, vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Trong 10 năm, đã có 1.141 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Xử lý 4.971 cán bộ, công chức vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp
Quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức đã được các cơ quan ở Trung ương ban hành. Bộ Nội vụ cũng ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp riêng đối với từng ngành nghề đặc thù như ngành hải quan, ngoại giao, y tế, thanh tra…
Năm 2018, Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng phê duyệt nhằm tiếp tục nâng cao các giá trị của đạo đức, văn hóa công vụ; tiếp tục lan tỏa, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức, hành động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm tại phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ được tăng cường. Trong kỳ báo cáo, đã có 102.799 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra, qua đó đã xử lý 4.971 cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Các quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và xử lý hành vi vi phạm đã được ban hành, đạt được một số kết quả tích cực. Từ năm 2009 đến năm 2020 có 646 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,8 tỷ đồng.
Khắc phục các vấn đề về "nhóm lợi ích," "sở hữu chéo"
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phát hiện, xử lý tham nhũng được nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Hằng năm, Thanh tra Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng ban hành và tổ chức triển khai định hướng chương trình thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.
Chương trình thanh tra, kiểm tra chú trọng vào lĩnh vực "nóng", dễ phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư, như: quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ, tài chính… trên tinh thần quyết liệt, sai đến đâu kiến nghị xử lý tới đó, áp dụng kịp thời các biện pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn vi phạm, khắc phục thiệt hại, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Toàn ngành Thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai 73.833 cuộc thanh tra hành chính và trên 2 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 16.956 tập thể, 23.185 cá nhân; kiến nghị thu hồi 351.799 tỷ đồng và 104.216 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 804 vụ, 1.057 đối tượng.
Qua hoạt động thanh tra cũng phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6ha đất; chuyển cơ quan điều tra 434 vụ, 665 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
"Công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ, các vụ án, vụ việc về tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá," báo cáo Chính phủ cho biết. Báo cáo dẫn loạt đại án như vụ Nguyễn Đức Kiên, Ngân hàng ACB; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Ngân hàng Vietinbank; vụ án xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan Trịnh Xuân Thanh; vụ Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm)…
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động nhận diện kịp thời các vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp, các hành vi vi phạm để triển khai các biện pháp, chọn khâu đột phá để phát hiện, đấu tranh trong những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận bức xúc như y tế, giáo dục, chứng khoán, đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Lực lượng chức năng khám xét và thu giữ tài liệu tại trụ sở FLC năm 2022. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Điển hình là Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Á về tội "Đưa hối lộ"; Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC phạm tội "Thao túng thị trường chứng khoán"; Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"...
Theo nhận định của Chính phủ, ở từng giai đoạn của quá trình thực hiện Chiến lược và Công ước, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có những chuyển biến nổi bật và rõ nét, bước đầu nhận diện và từng bước khắc phục các vấn đề về "nhóm lợi ích," "sở hữu chéo" trong lĩnh vực ngân hàng của giai đoạn 2010-2015. Đến giai đoạn 3 của Chiến lược và thực thi Công ước thì phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Việc khởi tố, điều tra các vụ đại án lớn là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ tham nhũng.
Trong 2 năm cuối của thực hiện Chiến lược và Công ước, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh cả ở cấp độ Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo được sự chuyển biến đồng bộ, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh," góp phần đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế "không thể đảo ngược" như Tổng Bí thư đã đánh giá.
Từ năm 2009 đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 2.578vụ/5.635 bị can; đình chỉ 199 vụ/115 bị can. Viện Kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 3.067vụ/7.383 bị can (trong đó án mới truy tố là 2.814 vụ/6.136 bị can). Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 2.929 vụ án và 5.605 bị cáo bị kết án tham nhũng.
Trong đó, 2.197 bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, 1.147 bị cáo phạm tội nghiêm trọng, 951 bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng và 375 bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Nhiều đối tượng tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu cơ quan của Đảng, Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao. Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng cũng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước. Các cơ quan Thi hành án dân sự đã thụ lý tổng số vụ việc phải thi hành là 12.857 việc, tương ứng với số tiền trên 167.252,3 tỷ đồng.
Số việc đã thi hành xong là 11.235 việc, tương ứng với số tiền 48.861 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 29,2%). Riêng năm 2020 đã thi hành được số tiền hơn 14.000 tỷ đồng, bằng 61% tổng số tiền đã thi hành xong trong kỳ báo cáo.
Link nguồn dẫn: https://www.vietnamplus.vn/tham-nhung-tung-buoc-duoc-kiem-che-ngan-chan-va-co-mat-thuyen-giam/858996.vnp