Những con số tăng trưởng ấn tượng
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, du lịch Lào Cai đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt khách đem về doanh thu ước tính khoảng 4.600 tỷ đồng. Những con số này hứa hẹn 2023 sẽ là một năm rực rỡ của du lịch Lào Cai. Hơn một thập kỷ trở lại đây, ngành du lịch Lào Cai đã có những bước chuyển mình đột phá và đạt được những kết quả ấn tượng.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng du lịch ở Lào Cai giai đoạn 2010 - 2019 là 22%. Năm 2019, tỉnh đã đón trên 5,1 triệu lượt khách, trong đó có 806.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ ngành du lịch đạt 19.203 tỷ đồng. Năm 2020 và 2021 là 2 năm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành “công nghiệp không khói” của Lào Cai vốn đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, đến 2022, du lịch Lào Cai đã phục hồi nhanh khi đón 4,5 triệu lượt khách, thu 15.840 tỷ từ du lịch. Trong 2023, địa phương này phấn đấu đón 6 triệu lượt khách.
Không chỉ nổi danh trong nước, các điểm đến ở Lào Cai đã vang danh thế giới. Du lịch khám phá, nghỉ dưỡng có Sapa, Y Tý, đèo Ô Quy Hồ, ga Lào Cai; du lịch trải nghiệm với Chợ tình Sa Pa, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà; du lịch tâm linh tuyến Bảo Hà - Đền Thượng - Lũng Pô - Fansipan…
|
Sapa - Thị trấn mờ sương, thắng cảnh thiên nhiên đẹp bậc nhất vùng. |
Dự kiến đến năm 2030, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục Thế giới cùng với Khu nghỉ dưỡng Quốc tế Y Tý đang được đầu tư sẽ giúp Lào Cai đón 15 triệu du khách và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% - 30% GRDP.
Vì sao du lịch Lào Cai phát triển vượt bậc?
Sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Lào Cai đến từ lợi thế thiên nhiên tuyệt mỹ, văn hóa đặc sắc, thu hút đầu tư phát triển không gian du lịch, sản phẩm du lịch khác biệt và việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông.
Nằm ở trung tâm vòng cung Tây Bắc, Lào Cai có những tài nguyên du lịch mang tính độc bản. Đó là đỉnh Fansipan - “Nóc nhà Đông Dương”; hệ sinh thái núi cao, Vườn quốc gia Hoàng Liên - Vườn Di sản ASEAN. Khu du lịch quốc gia Sa Pa nổi tiếng trong và ngoài nước và là 1 trong 21 trọng điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
|
Đỉnh Fansipan thiêng liêng - Điểm đến của những người yêu thích du lịch thể thao mạo hiểm. |
Ngoài ra, địa phương này còn có địa hình đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, hoang sơ đặc trưng như ruộng bậc thang tại Mường Hoa, Nậm Cang, Trung Chải (Sa Pa), Y Tý, Sàng Ma Sáo, Mường Hum (Bát Xát)... 25 dân tộc cùng sinh sống với những nét văn hóa độc đáo. Những di tích lịch sử như Đền Bảo Hà (đền Ông Hoàng Bảy), Đền Cô Ba, Đền Đồng Ân, Bến Đền,… tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh hấp dẫn.
|
Chinh phục núi Lảo Thần - Nóc nhà của Y Tý. |
“Kho báu” du lịch Lào Cai đã được khai mở một phần nhờ dòng vốn khổng lồ hơn 50.000 tỷ đồng đầu tư vào đây trong hơn 1 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, việc chú trọng phát triển hạ tầng giao thông cũng góp sức giúp ngành du lịch cất cánh.
|
Nút giao Phố Lu - Bảo Thắng có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng. |
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các tuyến đường kết nối với cao tốc này như nút giao phố Lu ở huyện Bảo Thắng lần lượt được đưa vào sử dụng. Dự án Cảng Hàng không Sa Pa sẽ là lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương.
Mở rộng không gian du lịch, đẩy nhanh tốc độ phát triển
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành du lịch, tháng 11/2022, Lào Cai đã ban hành khung chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Hiện thực hóa tầm nhìn đó, địa phương định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch gồm 3 vùng:
Vùng Tây Bắc gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát với các sản phẩm đặc trưng như nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, cộng đồng, sinh thái và thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch MICE, mua sắm, tâm linh, nông nghiệp và du lịch hoa.
Vùng Đông Bắc gồm các huyện Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai với các sản phẩm đặc trưng như văn hóa cộng đồng với trọng tâm là chợ phiên, du lịch thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch cộng đồng, trải nghiệm cảnh quan và du lịch nông nghiệp, du lịch hoa.
Vùng phía Nam gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và Bảo Thắng với các sản phẩm đặc trưng là du lịch tâm linh; sản phẩm chính gồm du lịch trải nghiệm cảnh quan và du lịch thể thao.
Trong không gian du lịch Nam Lào Cai, huyện Bảo Thắng có nhiều ưu thế phát triển du lịch. Thuộc vùng đất cổ nằm chính giữa tỉnh Lào Cai, Bảo Thắng là đầu mối giao thông đường sông, đường bộ, đường sắt lan tỏa đi khắp các vùng Bắc Nam. Giao thông thuận lợi cộng hưởng với những trầm tích văn hóa của một vùng đất cổ xưa giúp Bảo Thắng hấp dẫn du khách. Ngành công nghiệp không khói hứa hẹn sẽ là mũi nhọn kinh tế, tạo động lực phát triển huyện Bảo Thắng nói riêng và Lào Cai nói chung.
|
Đền Cô Ba tại Bảo Thắng thu hút đông đảo du khách |
Việc triển khai những định hướng trong khung chiến lược mới sẽ giúp du lịch Lào Cai tăng tốc. Ngành kinh tế xanh hứa hẹn sẽ là một trong những động lực giúp Lào Cai sớm đạt được mục tiêu trở thành cực tăng trưởng của khu vực và là tỉnh phát triển của cả nước.
HN