Nợ xấu tăng vọt sau 9 tháng, HDBank còn đến 14.700 tỷ nợ quá hạn cần chú ý

(Mặt trận) -Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng của HDBank tăng từ 1,7% hồi đầu năm lên mức 2,3% vào cuối quý 3 vừa qua

Nợ xấu tăng vọt, tỷ lệ nợ xấu gần 2,3%

 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank– mã HDB) tại thời điểm 30/9 đạt 291.716 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng lại đi xuống rõ rệt khi tổng nợ xấu của ngân hàng tăng đến 50% so với đầu năm lên mức 6.600 tỷ đồng. 

Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 66% lên 3.024 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 5) tăng 52% lê 2.152 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 25% so với đầu năm lên mức 1.428 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tương ứng tăng từ 1,7% hồi đầu năm lên mức 2,3%.

Ngoài ra, nợ cần chú ý (nhóm 2) cũng đã tăng hơn gấp đôi so với đầu năm lên hơn 14.700 tỷ đồng. Đây là khoản nợ tiềm tàng có khả năng chuyển thành nợ xấu trong tương lai nếu nhà băng này không thể thu hồi nợ hiệu quả.

Nợ xấu tăng vọt sau 9 tháng, HDBank còn đến 14.700 tỷ nợ quá hạn cần chú ý. Ảnh TL

Thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của HDBank đạt 508.263 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm; tổng huy động vốn đạt 448.225 tỷ đồng, tăng 22,4% so với đầu năm, trong đó huy động từ khách hàng đạt 341.713 tỷ đồng, tăng 51,5% sau 9 tháng. 

Về kết quả kinh doanh, HDBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 4.916 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đến gần 93% so với cùng kỳ, lên mức 186 tỷ đồng. 

Trong quý 3, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt đạt 30 tỷ và 516 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ tương ứng 8,8 tỷ và 11,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm đến 54% so với cùng kỳ xuống còn 318 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm 18% so với quý 3/2022, đạt gần 115 tỷ đồng. 

Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 15% so với cùng kỳ, lên hơn 2.300 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm gần 7% xuống còn 636 tỷ đồng. 

Kết quả, HDBank lãi trước thuế 3.147 tỷ đồng, tăng 16% so với quý 3/2022. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 8.632 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

“Bạo chi” mua cổ phần Chứng khoán HD

Trong bối cảnh chất lượng tín dụng đi xuống, HDBank lại muốn lấn sâu hơn vào lĩnh vực chứng khoán. Nhà băng này có kế hoạch sẽ mua tối đa 30% cổ phần CTCP Chứng khoán HD (mã HDS) theo nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, tương ứng số tiền dự chi khoảng 800 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc góp vốn mua cổ phần.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, HDBank đã thông qua kế hoạch góp vốn mua cổ phần công ty chứng khoán để công ty đó trở thành công ty con của ngân hàng. Theo HDBank, việc đầu tư vào công ty chứng khoán có thể giúp ngân hàng mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu thông qua cung cấp các dịch vụ như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp… 

Ngoài ra, HDBank còn có cơ hội bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ…từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngân hàng. Điều kiện công ty trong lĩnh vực chứng khoán mà HDBank tham gia góp vốn là có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng và có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp gần nhất.

Trong khi đó, Chứng khoán HD có trụ sở đặt tại số 58 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TPHCM. HDS hiện có vốn điều lệ 1.023 tỷ đồng. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, công ty chứng khoán này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 360 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Chứng khoán HD đạt 380 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Dương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều