|
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc của Đoàn khảo sát xây dựng văn kiện và sửa đổi Điều lệ trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với thành phố Hải Phòng, tháng 8/2023. Ảnh: Quang Vinh |
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Do đó, thực hiện và phát huy dân chủ trong hoạt động bộ máy nhà nước, đặc biệt là cấp Trung ương có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách nhằm phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước cấp Trung ương
Phát huy dân chủ trong hoạt động bộ máy nhà nước phải đảm bảo sự ổn định chính trị
Bản chất Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Phát huy dân chủ trong bộ máy nhà nước cấp Trung ương là xây dựng bộ máy các cơ quan thực sự trong sạch, vững mạnh, đảm bảo cho xã hội phát triển theo hướng dân chủ, hài hoà và bền vững. Vì vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước, Ðảng ta khẳng định: "Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn"[1], mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[2].
Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ trong bộ máy nhà nước cần phải dựa trên các nguyên tắc, quy định pháp luật. Tại Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm một mối quan hệ lớn, đó là: Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Cần đảm bảo “dân chủ” đi liền với “kỷ cương”, dân chủ thật sự, dân chủ rộng rãi và đúng hướng. Nếu dân chủ mà không có kỷ cương, kỷ luật sẽ trở thành dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức, vô kỷ luật, thậm chí tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội, phản động cực đoan tự do làm điều xấu, vi phạm pháp luật, xâm hại lợi ích của cộng đồng, nhân dân, đe dọa đến sự ổn định chính trị của quốc gia.
Do vậy, phát huy dân chủ trong bộ máy nhà nước cấp Trung ương cần phải phải đi cùng với tăng cường pháp chế, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước[3]. Đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội.
Phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước phải thúc đẩy sự phát triển
Phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước cấp Trung ương trên các lĩnh vực, đặc biệt phát huy dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, là động lực quan trọng tạo cơ sở để bảo đảm dân chủ trong các lĩnh vực khác, các mặt hoạt động khác của đời sống xã hội - đó là văn hoá, tinh thần, lối sống và xây dựng môi trường xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng, bảo đảm thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, nếu phát huy được dân chủ thực sự, sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng một thể chế phát triển theo chiều sâu, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế”[4].
Phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước cấp Trung ương, các cơ quan thực hiện tốt chức năng của mình, đưa ra được các chính sách phát triển đúng đắn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước để nhân dân được tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện sẽ khắc phục được những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của Nhà nước, giải quyết được tình trạng tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền đang là vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ hiện nay.
Phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước cấp Trung ương góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước
Thực hành dân chủ là nhân tố để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mọi cơ quan trong bộ máy nhà nước phải thực sự hành động vì lợi ích của nhân dân, trong xây dựng các chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đểu của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên…”[5]. Có như vậy, nhà nước ta mới thực sự là nhà nước dân chủ.
Tại Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”[6]. Cần chú ý “đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương… với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất”[7].
Đặc biệt, cần chú trọng vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền. Trong báo cáo trình Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX (năm 2004) chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức”[8]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu được Đảng ta xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thật sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”[9]. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự bảo đảm dân chủ trong các quyết sách, tìm kiếm phương pháp thực thi quyết sách một cách độc lập, dân chủ và sáng tạo. Có như vậy, mới đảm bảo dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước.
Phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước cấp Trung ương góp phần phát huy quyền làm chủ của người dân
Trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện ở nước ta hiện nay, “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”[10]. Quyền làm chủ của nhân dân được tổng kết thành phương châm “"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"[11]. Nhân dân làm chủ thông qua các hình thức tự quản, thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Trên cơ sở thực tiễn, Đảng ta không chỉ xác định vai trò, vị thế chủ thể mọi quyền lực nhà nước của nhân dân, mà còn khẳng định bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là phải làm cho nhân dân được hưởng quyền làm chủ, có đủ năng lực làm chủ trên thực tế và khi đó, dân chủ trở thành sức mạnh nội sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”[12]. Nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân cũng đã được thông qua như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Trưng cầu ý dân... Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc… đã góp phần vào quá trình phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân, đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá xã hội.
Có thể thấy rằng, Đảng và Nhà nước rất xem trọng việc dân chủ hoá, thực hành dân chủ. Dân chủ ở cấp cơ sở là rất quan trọng vì có điều kiện để thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp, song thực hiện dân chủ ở cấp Trung ương bởi cấp Trung ương không chỉ là “hình mẫu” mà còn tạo động lực thúc đẩy thực hiện dân chủ ở các cấp thấp hơn. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục chú trọng thực hiện và phát huy dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt cấp Trung ương. Điều này không chỉ tăng uy tín, sự tín nhiệm, ủng hộ của nhân dân đối với bộ máy nhà nước, đảm bảo sự ổn định chế độ chính trị mà còn để đảm bảo quyền lực gốc của bộ máy nhà nước chính là từ nhân dân, nhân dân được tham gia vào hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất, đại đoàn kết toàn dân tộc cùng thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
TS. Vũ Thị Hồng Trang
ThS. Lê Thị Mỹ Duyên
Học viện Chính trị khu vực I
[1] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, H.2016, tr.175.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27 – 28.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 12/10/2020, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.167.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 689
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 173.
[7] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 96.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.63, tr.85.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.187
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 38.
[11]: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr 172-173.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 71.