Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã đặt ra yêu cầu về đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, chủ động, kịp thời giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giám sát đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề Nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
|
Hội nghị tổng kết và ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 10/2023. ẢNH: QUANG VINH |
Thực hiện quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kế hoạch số 717/KH-MTTW-UB ngày 28/4/2023 về giám sát và phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai giám sát chuyên đề đối với những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 740/KH-MTTW-BTT (ngày 12/6/2023) về giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân năm 2023. Theo Kế hoạch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát 2 dự án gồm: (1) Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (2) Dự án Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Các nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề như: Việc triển khai, thực hiện chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; báo cáo kết quả cụ thể việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác chỉ đạo, phối hợp tiếp nhận, xử lý, giải quyết, thực hiện các kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất triển khai Dự án; việc tổ chức đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân có đất bị thu hồi. Công tác chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Kế hoạch và triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân ở địa phương. Qua tổng hợp, đánh giá báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố nhận thấy việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về hỗ trợ, bồi thường, tái định cư đã được Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm, có nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo để triển khai thực hiện, tập trung tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án đã được cấp ủy và cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, thực hiện với quyết tâm cao, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành đã góp phần thực hiện có hiệu quả các Dự án. Ủy ban nhân dân các cấp đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng kịp thời phục vụ cho việc thi công công trình.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện công tác bồi thường đã thực hiện tốt, đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống chính trị đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải thích, giải quyết những kiến nghị, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Qua đó, tiến độ thực hiện các công việc trong quy trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015
Thực hiện Kế hoạch số 738/KH-MTTW-BTT ngày 12/6/2023 về giám sát Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Luật Bầu cử 2015), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương đã đề nghị một số vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa, một số chuyên gia, nhà khoa học về việc đề nghị viết các chuyên đề nghiên cứu trong quá trình thực hiện Luật Bầu cử 2015 từ khi có hiệu lực thi hành đến nay. Trong đó, các chuyên đề nghiên cứu tập trung vào những nội dung chính như: đánh giá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; bảo đảm quyền ứng cử, đề cử trong công tác bầu cử; các quy định phối hợp giữa Hội đồng bầu cử Quốc gia với Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp giữa Ủy ban Bầu cử, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp ở địa phương; công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử; cơ cấu, số lượng người ứng cử; đánh giá các quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử, kinh phí phục vụ bầu cử, các hình thức vận động bầu cử; công tác xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử; công tác bầu cử lại, bầu cử thêm, bầu cử bổ sung; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương về địa phương, thời gian đi bầu.
Trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu chuyên đề, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo kết quả giám sát đối với Luật Bầu cử 2015, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc các cấp vào các kết quả giám sát, tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo và kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền, đề xuất những nội dung cụ thể về sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015.
Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp
Thực hiện Kế hoạch số 739/KH-MTTW-BTT ngày 12/6/2023 về giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát bằng hình thức văn bản thông qua xem xét, nghiên cứu báo cáo về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp nhận, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của một số bộ, ngành.
Qua báo cáo của các bộ, ngành và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, công tác tiếp nhận, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thể hiện trách nhiệm, nỗ lực của các bộ, ngành, chính quyền trong việc thực hiện các cam kết trước cử tri và Nhân dân.
Chất lượng giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ngày càng được nâng cao. Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trong hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến cử tri và Nhân dân; giám sát việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri góp phần phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025)
Thực hiện Kế hoạch số 772/KH-MTTW-BTT ngày 27/7/2023 của Ban Thường trực về giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi năm 2023; các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng Kế hoạch giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, thành phố. Theo báo cáo có 32/52 tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành kế hoạch và tổ chức giám sát bao gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai, An Giang, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Nam, Hà Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau…
Trong đó có 16 tỉnh, thành phố đã tổ chức Đoàn giám sát và có báo cáo kiến nghị sau giám sát; 20 tỉnh, thành phố có báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình.
Trên cơ sở thực tế, mỗi địa phương có sự lựa chọn các nội dung giám sát cụ thể, cấp bách như: việc phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác để thực hiện Chương trình; việc bố trí ngân sách địa phương; huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng,… thống kê số thôn, bản, xã thụ hưởng Chương trình; số dự án, tiểu dự án, chính sách thuộc Chương trình đang thực hiện tại địa phương; xác định đối tượng thụ hưởng, chính sách hỗ trợ, ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 2 Đoàn kiểm tra về việc triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tại tỉnh Trà Vinh và Quảng Nam; biên soạn và tổ chức tập huấn cho 18 tỉnh, thành phố về công tác giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2015; tổ chức Hội thảo khoa học về “Phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với việc giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số, miền núi”.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo (theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam); Giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thông qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề các Chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan hữu quan. Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội1; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám sát công tác thi hành án, thi hành án hình sự tại tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai; phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai chương trình đánh giá đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Việc thực hiện, giải quyết các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, nhiều nội dung kiến nghị đã được các cơ quan hữu quan tiếp thu và chỉ đạo giải quyết.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục phát huy được sự cộng tác, tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, sự tham gia của thành viên các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn nên chất lượng được nâng cao rõ rệt.
Việc phát huy vai trò của báo chí, truyền thông để thực hiện tuyên truyền, lan tỏa về hoạt động giám sát, đặc biệt là việc công khai kết quả giám sát của Mặt trận các cấp được quan tâm, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, ghi nhận. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia phối hợp giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội. Với sự tham gia của Mặt trận đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội đã góp phần làm sâu sắc hơn các báo cáo chuyên đề, thể hiện được đầy đủ những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với những vấn đề đang bức xúc trong xã hội, góp phần phát huy tính dân chủ, phát huy vai trò của Nhân dân trong thực hiện giám sát.
Tuy nhiên, việc xây dựng thực hiện giám sát một số chuyên đề năm 2023 chưa được triển khai kịp thời; quá trình chuẩn bị, nghiên cứu, tham mưu về nội dung giám sát chưa được đầu tư thích đáng; cán bộ thực hiện và tham mưu trực tiếp công tác giám sát còn thiếu, trong khi việc giám sát cần bảo đảm về trình độ, lực lượng, có thời gian nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, một số kết quả giám sát chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về thời gian và chất lượng.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai theo chuyên đề
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, quá trình triển khai cần bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; phát huy tính chủ động, linh hoạt các hình thức giám sát. Nội dung kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được cấp có thẩm quyền chỉ đạo, phản hồi, giải quyết, thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Thứ hai, phát huy vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên trong công tác giám sát, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giám sát; tăng cường vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động giám sát của Mặt trận, thực hiện công khai, minh bạch kết quả giám sát để Nhân dân biết và giám sát.
Thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện những kiến nghị sau giám sát của Mặt trận; kịp thời yêu cầu các cơ quan giải quyết, giải trình các kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Thứ tư, tiếp tục chú trọng việc phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước với giám sát xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn trúng và đúng các nội dung giám sát và phản biện xã hội xây dựng Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2024. Trong quá trình xây dựng kế hoạch có sự trao đổi, thống nhất giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về lựa chọn địa điểm, nội dung giám sát, tránh sự trùng lặp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.
Chú thích:
1. Giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
2. Báo cáo số 639/BC-MTTW-BTT ngày 17/2/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Văn bản kiến nghị số 6071/MTTW-BTT ngày 23/3/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quản Thị Thanh Hải - Thạc sĩ, Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam