Lựa chọn đúng và trúng nội dung giám sát, phản biện xã hội
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là yêu cầu tất yếu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta với cơ chế: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Đây là phương thức quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, chủ động phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trên cơ sở quy định pháp luật, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong đó, chú trọng lựa chọn đúng và trúng nội dung giám sát, phản biện xã hội. Hàng năm, trên cơ sở nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội đối với những vấn đề từ cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Quảng Bình đã chủ trì hiệp thương, thảo luận, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Nội dung tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phù hợp với yêu cầu của cấp ủy Đảng và nguyện vọng của Nhân dân.
Một số chuyên đề trọng tâm được Mặt trận các cấp lựa chọn giám sát như: Việc thực hiện quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường; Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới của Nhân dân; Công tác quản lý các nguồn thu trong các trường học; Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Việc thực thi pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình…
Mặt trận tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức giám sát việc thực hiện quy định người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giám sát cán bộ, đảng viên… Tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội của các tầng lớp Nhân dân đối với Dự thảo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 đối với bậc học mầm non và giáo dục phổ thông công lập; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và nhiều quy định, quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Đi đôi với lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp, việc lựa chọn thành phần tham gia Đoàn giám sát, phản biện xã hội bảo đảm chuyên môn sâu, kỹ năng phát hiện vấn đề tốt đã được quan tâm đúng mức. Mặt trận Quảng Bình đã tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức thành viên Mặt trận, huy động trí tuệ, tâm huyết của các Hội đồng tư vấn, nhân sỹ trí thức, nhà khoa học trong tỉnh tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Mặt trận các cấp cũng đã kết hợp linh hoạt các hình thức giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh bất thường. Vì vậy, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã được thực hiện thường xuyên, mang lại những kết quả cụ thể.
Từ năm 2019 - 2024, Mặt trận các cấp và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở Quảng Bình đã chủ trì tổ chức 5.843 cuộc giám sát, trong đó, tổ chức 2.156 cuộc giám sát trực tiếp; giám sát qua nghiên cứu, xem xét 3.300 văn bản của các cơ quan chức năng ban hành liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Tham gia 387 cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (đối với Mặt trận cấp tỉnh), Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp theo đề nghị.
Riêng Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 20 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó 15 cuộc giám sát trực tiếp; 5 cuộc giám sát qua nghiên cứu tài liệu hồ sơ kết hợp với giám sát trực tiếp. Tham gia 11 cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; đã tổ chức được 45 hội nghị phản biện xã hội; gửi 18 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, 42 dự thảo văn bản của cấp huyện để lấy ý kiến của các chuyên gia, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh.
|
Ảnh minh họa - MTTQVN huyện Quảng Trạch - Quảng Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2024-2029 |
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới
Đảng ta đã xác định: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ", "Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở Quảng Bình cần không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, thực sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng và Nhân dân; củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã phối hợp Ban Dân vận Tỉnh uỷ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 7/4/2023 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đồng thời, lựa chọn những vấn đề mới, được người dân quan tâm để giám sát, phản biện xã hội với mong muốn phát hiện những hạn chế, yếu kém để đề xuất, kiến nghị giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân; đồng thời góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh.
Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã tổ chức giám sát, phản biện đối với các chuyên đề như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua tỉnh Quảng Bình; kết quả giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I; kiến nghị về việc tăng cường chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, công dân trong giao dịch hành chính; chỉ đạo việc thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của một số nhà máy, công ty trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thực hiện đúng quy trình, thời gian quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Mặt trận tỉnh Quảng Bình cũng đã kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh hoãn việc ban hành Nghị quyết quy định tăng mức thu học phí năm học 2022 - 2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và xem xét lại lộ trình, mức thu và thời điểm tăng học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân tỉnh Quảng Bình sau đại dịch Covid-19…
Những kết quả từ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp ở Quảng Bình đã đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Thông qua giám sát, phản biện đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết, khắc phục hạn chế để việc thực hiện các nội dung, hoạt động hiệu quả hơn…
Mặt trận các cấp đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, từ đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương.
Những khó khăn khi triển khai giám sát, phản biện xã hội
Qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình đã phát hiện những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Đồng thời, phát hiện những điểm nghẽn, những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn của các dự thảo Luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Những kiến nghị sau giám sát và ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận đã được cấp ủy, chính quyền, cơ quan dự thảo văn bản quan tâm tiếp thu, chỉ đạo giải quyết, bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của một số cấp ủy Đảng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và về chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội nói riêng đối với việc xây dựng, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch của chính quyền địa phương vẫn chưa đầy đủ.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở một số đơn vị chưa huy động và phát huy được tổng hợp sức mạnh trí tuệ các tổ chức thành viên và Nhân dân; chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội chưa đồng đều. Nhìn chung, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đã được cấp có thẩm quyền trao đổi, tiếp thu, phản hồi, tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa giải quyết kịp thời và thỏa đáng. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt.
Cơ chế chính sách và pháp luật về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc hiện nay chưa quy định cụ thể, nhất là cơ chế xử lý đối với việc tiếp thu, giải quyết ý kiến góp ý của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Công tác giám sát đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn nhưng hiện nay số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều địa phương ngày càng tinh giảm và chưa đủ mạnh; kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát, phản biện xã hội chưa được bồi dưỡng thường xuyên. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số xã, phường, thị trấn hoạt động chưa hiệu quả, còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm.
Một số kiến nghị, đề xuất để hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng hiệu quả
Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, trong thời gian tới tiếp tục cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền và sự chủ động, tích cực phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể.
Thứ nhất, các cấp uỷ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện một Đảng cầm quyền với yêu cầu xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tiếp tục tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 18 - CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần có sự chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền đối với việc tiếp thu, giải quyết những kiến nghị, đề xuất, phản ánh của Mặt trận và của Nhân dân.
Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Trong hoạt động giám sát, cần nghiên cứu lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát phù hợp với tình hình thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Cần quan tâm tăng cường giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; công tác cải cách hành chính; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030…
Quá trình giám sát cần kết hợp nhiều phương pháp để thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu, tranh thủ ý kiến tư vấn của cán bộ chuyên môn, các chuyên gia để hoạt động giám sát bảo đảm chuyên sâu, có hiệu quả; kịp thời ban hành các văn bản đề xuất, kiến nghị sau giám sát đến cấp ủy, chính quyền các cấp; theo dõi, đôn đốc kịp thời việc giải quyết của các cơ quan chức năng có liên quan đối với các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong hoạt động phản biện xã hội, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên nắm thông tin về các chủ trương, chính sách dự kiến được ban hành và lựa chọn các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để đề xuất cấp ủy cho chủ trương tổ chức phản biện xã hội; tiếp tục phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có kiến thức chuyên môn sâu về các lĩnh vực có liên quan để nâng cao chất lượng, hiệu quả phản biện xã hội.
Thứ ba, để giám sát, phản biện xã hội có chất lượng và hiệu quả, thì chủ thể giám sát, phản biện xã hội phải mạnh, phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề. Vì vậy, cần quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng giám sát, phản biện cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là ở cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; phát huy tối đa tiềm năng to lớn của các tổ chức thành viên, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ tư, cần tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận thông tin của Mặt trận và Nhân dân. Chỉ khi có thông tin đầy đủ, chính xác, Mặt trận, các đoàn thể và Nhân dân mới thực hiện tốt việc đánh giá, phân tích và phát hiện vấn đề. Vì vậy, cần thông tin hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là thông tin về xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và Nhân dân có cơ hội tiếp cận các nguồn tư liệu, các nguồn thông tin có liên quan nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Thứ năm, tiếp tục phát huy hiệu quả sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ giữa hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tăng cường sự phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ngành, chính quyền các địa phương với Mặt trận, các đoàn thể trong quá trình tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Quan tâm thực hiện tốt công tác chuẩn bị nội dung, hồ sơ, tài liệu phục vụ giám sát đến việc tiếp nhận, giải quyết những kiến nghị, đề xuất sau giám sát của Mặt trận và các đoàn thể đảm bảo đúng quy định.
Thứ sáu, Mặt trận các cấp tăng cường tham gia nghiên cứu, rà soát, góp ý sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Giám sát, phản biện xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Quảng Bình ngày càng thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, thông qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội do Mặt trận các cấp ở Quảng Bình thực hiện đã phát huy được sức mạnh tổng hợp từ mỗi cộng đồng dân cư, từ các Hội đồng tư vấn của Mặt trận về công tác giám sát, phản biện xã hội… góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đoàn kết chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
PHẠM THỊ HÂN - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình