Lâm Đồng: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS

(Mặt trận) - Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 6125/KH-UBND ngày 14/7/2023 về thực hiện tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi năm 2023.
Ảnh minh họa. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ảnh: Ủy ban Dân tộc 

Trong năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện các giải pháp để  giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phấn đấu giảm từ 2% - 3% số cặp tảo hôn và từ 3% - 4% số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

Địa bàn triển khai là các thôn, xã vùng DTTS và miền núi, ưu tiên triển khai thực hiện những nơi có nguy cơ tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh. Đối tượng thực hiện Kế hoạch là thanh niên, vị thành niên (nam/nữ) người DTTS chưa kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Phụ huynh học sinh của nam, nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên; Các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; Người dân sinh sống trong vùng DTTS, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; cán bộ, công chức, chức sắc tôn giáo... tham gia tuyên truyền vận động thực hiện ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.

Trong năm 2023, tỉnh triển khai các giải pháp trọng tâm:

Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong hôn nhân: Biên soạn tài liệu phục vụ các hội nghị tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; tài liệu hỏi - đáp về hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; biên soạn nội dung sổ tay, tờ rơi, pano tuyên truyền; Lắp đặt 04 pano tuyên truyền tại các xã có nguy cơ xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà; xã Đạ Tông, Đạ Long, huyện Đam Rông); Tổ chức hội nghị chuyên đề “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật: Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong đồng bào DTTS; Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về triển khai thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tổ chức 01 hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình, kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (hình thức sân khấu hóa).

Duy trì, triển khai nhân rộng mới mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”: Thực hiện 10 mô hình điểm về can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (tại các trường học và xã có tỷ lệ và nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao), cụ thể: các trường Phổ thông dân tộc nội trú: Trung học phổ thông tỉnh, Trung học cơ sở Di Linh, Trung học cơ sở Bảo Lâm; Trung học cơ sở và Trung học phổ thông liên huyện phía Nam; trường Trung học cơ sở Tân Thượng (Di Linh); Xã Bảo Thuận huyện Di Linh; xã Đạ Ploa huyện Đạ Huoai; xã Liêng S’Rônh huyện Đam Rông; xã Phước Cát 2 huyện Cát Tiên và xã Tà Năng huyện Đức Trọng.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục