|
Quảng Trị ưu tiên hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: T.L/Thời báo Tài chính) |
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó DTTS gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh. Tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt từ lâu đã trở thành vấn đề cấp bách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Quảng Trị đã tập trung ngân sách bố trí 1.531 tỷ đồng để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN; đồng thời ưu tiên phân bổ trên 217 tỷ đồng để xây mới trên 3.000 nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN.
Trong năm 2023, Quảng Trị đã phân bổ 37 tỷ đồng và năm 2024 là 14,2 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Dự án 1. Từ nguồn ngân sách được cấp, trong năm 2023, tại hai huyện Đakrông và Hướng Hóa đã có trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách cấp đất sản xuất, trên 300 hộ được hỗ trợ cấp đất ở.
Theo thống kê của UBND huyện Hướng Hóa về thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Dự án 1, toàn huyện có 514 hộ thiếu đất ở, số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 3.453 hộ, số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 2.617 hộ. Về đất sản xuất, có 371 hộ thiếu đất sản xuất, số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất 4.182 hộ, số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất là 2.780 hộ. Về kết quả thực hiện, giai đoạn 2022 – 2024 đã hỗ trợ nhà ở cho 662 hộ, 153 hộ được hỗ trợ đất ở, 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.
Đakrông là huyện có tới trên 80% đồng bào DTTS , đời sống đồng bào đa phần còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đakrông được phân bổ trên 54,6 tỉ đồng để thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Trong đó, vốn hỗ trợ đất ở 13,88 tỉ đồng với 347 hộ thụ hưởng; hỗ trợ nhà ở 22,84 tỉ đồng cho 571 hộ; hỗ trợ đất sản xuất trên 2,72 tỉ đồng cho 121 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt trên 15,16 tỉ đồng (7 công trình).
Trong hai năm (2022 - 2023), tổng số hộ dân được hỗ trợ là 201 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xem xét giải quyết cho 196 hộ dân vay trên 7,8 tỷ đồng để bổ sung làm nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.
Năm 2024, với kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ là 10.720 triệu đồng, tương ứng 268 hộ dân được hỗ trợ. Đến nay, UBND huyện Đakrông đã phê duyệt danh sách 104 hộ dân của 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được thụ hưởng. Hiện các hộ đang triển khai xây dựng nhà ở.
Cùng thuộc Dự án 1, nhiều nhà máy nước, hệ thống nước sạch tự chảy trên địa bản tỉnh cũng được đầu tư xây dựng, như: hệ thống nước sạch ở thôn 5, xã Ba Lòng (Hướng Hóa); hệ thống nước sạch tai xã Đakrông (huyện Đakrông)… giúp nâng tỷ lệ hộ đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tính đến nay, toàn vùng đồng bào DTT&MN Quảng Trị đã có 66% người đân được sử dụng nước sạch.
Có thể nói, vấn đề "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã mở ra hướng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án 1 tại Quảng Trị, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân Chương trình.
Nguyên nhân chủ yếu việc hỗ trợ đất sản xuất gặp vướng mắc là do quỹ đất trên địa bàn các xã còn ít, vì vậy khó thực hiện công tác cải tạo mặt bằng, khai hoang đất sản xuất để giao tập trung cho các hộ hưởng lợi. Thời gian qua, hình thức các địa phương hỗ trợ đất ở, đất ản xuất cho người dân chủ yếu là chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong quá trình triển khai cũng gặp vướng mắc do sự sai lệch giữa thực địa và bản đồ địa chính, nguồn gốc đất chồng lấn giữa các hộ dân và doanh nghiệp chưa được bóc tách, đất chưa được chuyển giao từ các công ty lâm nghiệp...
Mặt khác, có sự chênh lệch mức hỗ trợ giữa xây dựng nhà ở thuộc 2 chương trình MTQG: Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó đối tượng cùng là hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS. Từ đó, tạo tâm lý lựa chọn chương trình để đăng ký tham gia cũng như so sánh chế độ hỗ trợ xây dựng nhà ở giữa các chương trình.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 1, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục rà soát, có danh sách cụ thể đối với các hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Đối với quỹ đất bàn giao về địa phương quản lý, có kế hoạch tiếp nhận, xây dựng phương án sử dụng cụ thể, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, gắn liền việc giao đất với tạo sinh kế bền vững để xóa nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hải Yến