Sơn La: Giải quyết vấn đề nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Tại tỉnh Sơn La, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt trong mùa khô, khi nhiều hộ gia đình buộc phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, dẫn đến dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện Dự án 1 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030) cung cấp nước sạch và cơ sở hạ tầng bền vững. Dự án này không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững tại các khu vực còn khó khăn.

Đồng bào DTTS Sơn La được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh (Ảnh: Báo Dân tộc)

Ngày 04/03/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành văn bản số 67/KH-UBND về "Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024." Theo văn bản này, tỉnh đã xác định các mục tiêu ưu tiên cho năm 2024, tập trung vào việc triển khai Dự án 1 với các nhiệm vụ cụ thể. Trong năm 2024, Sơn La tập trung vào việc hoàn thiện các công trình nước sạch đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình mới để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các khu vực chưa được phục vụ. Tỉnh cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng của các hệ thống cấp nước hiện có thông qua công tác bảo trì và bảo dưỡng định kỳ.

Trước đó, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sơn La đã giải ngân 38,9 tỷ đồng để đầu tư vào hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung, cùng với hàng nghìn thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho các huyện và xã vùng sâu, vùng xa. Những công trình này bao gồm việc xây dựng và cải tạo hệ thống dẫn nước, bể chứa, bể lọc, và lắp đặt hệ thống ống dẫn nước đến từng hộ gia đình.

Tại huyện Sốp Cộp, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng để xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Những công trình này đã cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân tại các bản Huổi Sang, xã Sam Kha và các bản lân cận. Việc hoàn thành những công trình này đã giúp người dân không còn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên không đảm bảo vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cộng đồng.

Công trình nước sạch được sửa chữa và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022 ở huyện Mai Sơn, với tổng mức đầu tư hơn 104 triệu đồng đã cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho hơn 120 hộ dân của bản Hát Sét, xã Nà Ớt. Vào đầu năm 2023, công trình cấp nước liên bản xã Chiềng Mai, với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, cũng đang được hoàn thiện và được đưa vào sử dụng vào cuối năm qua. Công trình này cung cấp nước sạch cho hơn 1.100 hộ dân của các bản Vựt Bon, Cơi Quỳnh, Cuộm Sơn, Dăm Hoa, giúp nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên toàn huyện lên hơn 95%. Từ năm 2021 đến nay, huyện Mai Sơn đã được đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 1.600 hộ của các xã Phiêng Cằm, Chiềng Chăn, Chiềng Mai, Chiềng Lương; đầu tư công trình nước sinh hoạt phân tán cho 63 hộ thuộc các xã Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Nà Ớt, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi.

Tại huyện Mường La, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại bản Lướt, xã Ngọc Chiến, đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui lớn cho 333 hộ dân, các trường học và nhà văn hóa tại địa phương.

Trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại xã Chiềng Đông của huyện Yên Châu không có điều kiện mua téc nước, thường sử dụng chum, vại... để tích trữ nước sinh hoạt. Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, 192 hộ nghèo, cận nghèo người DTTS của xã đã được hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt, giúp các hộ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại xã lên 90%.

Từ nguồn vốn Chương trình, đến nay, huyện Thuận Châu đã đầu tư gần 12 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 5 công trình nước sinh hoạt tập trung ở các bản thuộc xã Bản Lầm, Chiềng Bôm, Bon Phặng, Chiềng Pha; cấp phát 525 bồn chứa nước cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS khó khăn về nước sinh hoạt, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đến hết tháng 12/2023, 100% số hộ nông thôn của huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đời sống đồng bào DTTS và miền núi của huyện ngày càng cải thiện rõ rệt.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình, toàn tỉnh đã xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ DTTS.

Cùng với đó, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sơn La được triển khai chặt chẽ với sự phối hợp của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành và cộng đồng dân cư để việc thực hiện Dự án diễn ra hiệu quả, đúng tiến độ và đạt được các mục tiêu đề ra. Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá các công trình cấp nước, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch và các công trình cấp nước ở từng khu vực, phấn đấu đến năm 2025, có 98,02% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, tỉnh Sơn La đang từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào nơi đây. Các dự án nước sạch không chỉ giải quyết nhu cầu cơ bản về nước sinh hoạt, mà còn mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Sơn La.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều