An cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định

(Mặt trận) - Trong khuôn khổ Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình), tỉnh Bình Định đã quan tâm giải quyết vấn đề thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào.
Bình Định hỗ trợ đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Theo báo cáo tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ IV, năm 2024, đồng bào 39 DTTS trên địa bàn tỉnh sinh sống ở 33 xã, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn (xã thuộc khu vực III), diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Đến cuối năm 2023, có 11.446 hộ/47.784 người, chiếm khoảng 2,99% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na, Hrê. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS (so với số hộ đồng bào DTTS) cuối năm 2023 là 4.603 hộ/11.446 người, chiếm 40,21% (giảm 23,79% và 2.291 hộ so với cuối năm 2018).

Để cụ thể hóa các mục tiêu của Dự án 1 trong việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND, quy định rõ định mức giao đất ở và đất sản xuất cho các hộ gia đình. Cụ thể, mức giao đất ở tại các thị trấn An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh là không quá 200m²; tại các xã đồng bằng không quá 300m²; xã miền núi không quá 400m²; và xã vùng cao không quá 500m². Về đất sản xuất, diện tích bình quân mỗi hộ trồng lúa là 0,5ha, áp dụng cho các hộ chỉ có đất trồng lúa. Đối với các hộ có loại đất nông nghiệp khác hoặc diện tích đất trồng lúa nhỏ hơn 0,5ha, mức bình quân là 1ha.

Triển khai Chương trình năm 2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 342/QĐ-UBND vào ngày 25/01/2024 về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp để thực hiện Chương trình, với tổng số tiền 182.598 triệu đồng. Trong đó, 158.780 triệu đồng được bổ sung từ ngân sách Trung ương và 23.818 triệu đồng từ ngân sách đối ứng của tỉnh. Dự án 1 được phân bổ tổng kinh phí là 7.012 triệu đồng, chia cho các huyện gồm: An Lão 1.406 triệu đồng, Vĩnh Thạnh 2.548 triệu đồng, Vân Canh 2.222 triệu đồng, Hoài Ân 554 triệu đồng và Tây Sơn 282 triệu đồng.

Để thực hiện hiệu quả Dự án 1, vai trò của các sở, ban, ngành và đặc biệt là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định đã được thể hiện rõ rệt thông qua việc triển khai các giải pháp đồng bộ.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, phân bổ đất ở, đất sản xuất theo đúng định mức đã được quy định tại Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhà ở, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo hỗ trợ người dân chuyển đổi đất nông nghiệp, tối ưu hóa sử dụng đất sản xuất, và phát triển các mô hình sinh kế bền vững.

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và người dân, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quá trình triển khai dự án. Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì nhiều buổi họp, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân, đảm bảo rằng các chính sách hỗ trợ được thực hiện đúng đối tượng, tránh lãng phí nguồn lực. Mặt trận tỉnh cũng đóng góp tích cực vào việc giám sát, đảm bảo các nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và công trình được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc còn phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và tham gia tích cực vào các chương trình hỗ trợ. Sự tham gia này không chỉ giúp tăng cường ý thức cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng đất và nhà ở, mà còn góp phần đảm bảo tính bền vững của các dự án hỗ trợ, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS và miền núi trong dài hạn.

Từ nguồn vốn các Chương trình, nhiều khu dân cư ở vùng đồng bào DTTS của các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh từng bước đổi thay; hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Trong năm 2023, các địa phương đã tích cực triển khai Dự án 1, tập trung vào việc hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất. Tại các huyện miền núi, đã có 68 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào DTTS có chỗ ở an toàn và ổn định hơn. Cùng với đó, nhiều khu tái định cư đã được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Điển hình tại huyện An Lão, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh, hàng chục công trình dân sinh đã được đầu tư với tổng mức vốn hơn 59,2 tỷ đồng, trong đó các khu tái định cư và hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2024 - 2025, huyện An Lão dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư hơn 40,3 tỷ đồng để xây dựng thêm 23 công trình dân sinh, tập trung giải quyết vấn đề đất ở và đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS. Những nỗ lực này không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở mà còn mở ra cơ hội phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ gia đình DTTS.

Với đặc thù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, huyện Vân Canh đã và đang tập trung chỉ đạo lồng ghép và thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ Chương trình. Riêng năm 2023, huyện đã tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng mới 13 ngôi nhà; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 106 hộ; xây dựng hệ thống nước tự chảy từ suối Đác Toát đến làng Kà Nâu (xã Canh Liên); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 21 hộ, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Định xác định mục tiêu đến năm 2025 là đảm bảo giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS, cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% - 4% mỗi năm. Để thực hiện được những mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn và khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án 1 nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống người dân.

Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đề ra Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường rà soát lại các đối tượng thụ hưởng để đề xuất kinh phí phù hợp và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lên Ban Chỉ đạo Chương trình và các bộ, ngành Trung ương. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được phối hợp chặt chẽ, nhằm đảm bảo các dự án và tiểu dự án thành phần triển khai đúng tiến độ và hiệu quả.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều