Tăng cường phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai 2 năm nay và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trong đó, việc nâng cao nguồn nhân lực của đồng bào DTTS nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội ổn định, lâu dài, luôn được Đảng ta và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Tăng cường phát triển nguồn nhân lực là đồng bào DTTS (Ảnh: Vietnam Plus)

Tại từng địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai các chương trình phối hợp thống nhất hành động nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội nhằm đảm bảo các dự án và tiểu dự án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện hiệu quả.

Phát triển nguồn nhân lực không chỉ dừng lại ở việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho đồng bào DTTS và miền núi, mà cần lựa chọn những hạt nhân trong từng cộng đồng DTTS để đưa đi đào tạo bậc cao đẳng, đại học và sau đại học trên nhiều lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội… chính những hạt nhân này sẽ là người dẫn dắt đồng bào dân tộc mình ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào lao động sản xuất, cũng như đời sống sinh hoạt.

Tại tỉnh Sơn La, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chất lượng nguồn nhân lực DTTS địa phương đã có sự phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Xác định phát triển nguồn nhân lực là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 37-KH-UBND ngày 3/3/2017 về triển khai thực hiện Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh và phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2016 - 2020 số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La được hỗ trợ học nghề là trên 42.100 người, trong đó có gần 2.420 cán bộ, công chức xã được đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ người DTTS được đào tạo là 87%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%.

Năm 2021, tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 275 cán bộ công chức, viên chức thuộc các xã vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là 4.150 người, trong đó 96,98% có trình độ từ trung cấp trở lên. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động là người DTTS được đào tạo nghề phù hợp đạt 31%, trong đó 57% là lao động ngườiDTTS trong độ tuổi lao động từ 18-35 tuổi.

Tính tới cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có trên 610 cơ sở giáo dục. Công tác xóa mù chữ, huy động trẻ đến trường đạt trên 99,9%; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lớp 6; tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 94,4%. Các loại hình giáo dục từng bước được đa dạng hóa với hệ thống trường ngoài công lập, hệ thống trường chuyên biệt được xây dựng và đầu tư. Cùng với đó, công tác giáo dục dân tộc được quan tâm phát triển, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, mô hình bán trú trong các trường mầm non, phổ thông được mở rộng và từng bước được củng cố để đáp ứng yêu cầu đào tạo học sinh người DTTS.

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là người DTTS và miền núi đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, gần 5.700 cơ sở giáo dục tiểu học, hơn 1.340 cơ sở giáo dục trung học cơ sở và 350 cơ sở giáo dục trung học phổ thông. Vùng có 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học; ba tỉnh còn lại là Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng có các chi nhánh và phân hiệu của các trường đại học. 

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm hơn 31% dân số toàn tỉnh) và có khoảng 74.000 học sinh dân tộc ở các bậc học. Tại Sóc Trăng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh đã thực hiện kịp thời các chính sách của Trung ương và địa phương đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời một số chính sách cho phù hợp thực tế; ban hành các chính sách mới để thu hút nhân lực, thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngoài ra, tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, gắn đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp với thực tiễn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS miền núi trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, và khó khăn như việc thiếu kinh phí; nội dung đào tạo, bồi dưỡng thường nặng về lý thuyết, ít nội dung về kinh nghiệm thực tiễn của các hợp tác xã. Đội ngũ giảng viên chưa thực sự chuyên nghiệp, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, thiếu hệ thống đào tạo chính quy, bài bản, thống nhất trong cả nước… Để khắc phục những hạn chế này đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như củng cố, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy…

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều