|
Cần thêm nhiều nỗ lực và giải pháp chống nạn tảo hôn để nâng cao đời sống kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
ẢNH: KỲ ANH |
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống. Người Kinh chiếm 85,4% dân số Việt Nam, với 78,32 triệu người, 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước.
Năm 2019, cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số lần thứ hai được tiến hành. Kết quả công bố cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số vẫn còn tới 21,9%. So với năm 2014, tình trạng tảo hôn của người dân tộc thiểu số đã giảm 4,7%, tức bình quân mỗi năm giảm 0,94%. Tại những vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Nguyên, 27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn; trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%; Đồng bằng sông Hồng - nơi không có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống (3,3%) cũng có 7,8% người dân tộc thiểu số tảo hôn.
Nạn tảo hôn có ảnh hưởng sâu sắc về mặt sức khỏe thể chất, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số
Tảo hôn là nguyên nhân làm dân số tăng nhanh nhưng giảm chất lượng
Việc kết hôn khi chưa trưởng thành và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên - lúc cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng tâm lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, bị Down, dị tật, thường xuyên đau ốm, yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện năm 2019 cho hay, trong 3 trẻ dân tộc thiểu số có 1 em thấp còi (tỷ lệ 33,3%) và trong 5 em có 1 em nhẹ cân (tỷ lệ 20%).
Tảo hôn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi và tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ dân tộc thiểu số liên quan đến thai sản. Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 dân tộc thiểu số là 22,13‰, trong đó của trẻ em trai là 24,82‰, của trẻ em gái là 19,29‰. Tóm tắt về tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam do UN Women và Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 cho hay, tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng) cao gấp 4 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa. Trường hợp người mẹ nạo phá thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con, gây vô sinh về sau. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đánh giá, các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ
Mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hướng tới là xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tảo hôn làm suy thoái giống nòi, với nhiều đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh, nguy cơ mắc bệnh tật cao, làm giảm chất lượng dân số, khả năng học tập, lao động của đứa trẻ về lâu dài. Trong các gia đình tảo hôn, những đứa con thường xuyên ốm đau gây tốn kém về kinh tế, thậm chí làm nghèo thêm những gia đình vốn đang nghèo; là một trong những nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, cãi vã thường xuyên trong các gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các cặp vợ chồng và kể cả đứa trẻ khi đã đủ lớn để có nhận thức riêng. Như vậy, tảo hôn đang cản trở việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, tiến bộ ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng, cả nước nói chung.
Tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực
Mỗi con người là một thực thể sinh học - xã hội, trong đó mặt sinh học là tiền đề, là cơ sở cho mặt xã hội phát triển. Mặt xã hội của con người chỉ phát triển khi phù hợp với mặt sinh học. Các cặp vợ chồng tảo hôn thường sinh ra những đứa con không khỏe mạnh về thể chất, tinh thần. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 33%, thể nhẹ cân 20% là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng thấp khó phát triển thành lực lượng sản xuất hiện đại. Điều này không phù hợp với mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, đó là: “… Nâng cao chất lượng dân số gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Việc thực hiện mục tiêu công bằng trong phát triển giữa miền núi và miền xuôi bị ảnh hưởng
Thu hẹp khoảng cách phát triển, hay nói cách khác là thực hiện công bằng trong phát triển giữa miền núi và miền xuôi luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, mức độ thành công của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi phụ thuộc một phần vào vai trò nòng cốt, quyết định của đồng bào thông qua khả năng tham gia, quản lý, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa trên địa bàn. Muốn vậy, đồng bào phải được đào tạo, nâng cao năng lực về mọi mặt. Nhưng với những hệ lụy về mặt sinh học, thật khó để kỳ vọng những “chủ nhân tương lai” được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn tham gia hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi bản thân họ luôn loay hoay đối phó với nguy cơ bệnh tật rình rập.
Giữa tảo hôn và nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống có mối quan hệ mật thiết, thậm chí là vòng luẩn quẩn. Tảo hôn là hệ quả của sự thiếu hụt về trình độ dân trí, văn hóa, giáo dục, lạc hậu. Ngược lại sự thiếu hụt về trình độ dân trí, văn hóa, giáo dục, lạc hậu lại dễ dẫn đến tảo hôn.
Với những bất lợi về vị trí địa kinh tế, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ dân trí… vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn gặp khó khăn hơn trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội so với các vùng khác, trong đó phải kể đến sự thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu… Chính những nguyên nhân này khiến cho hủ tục tảo hôn vẫn tồn tại dai dẳng đến tận ngày nay mặc dù công tác tuyên truyền và sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đã được thực hiện tích cực trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Nguyên nhân đầu tiên là về sinh kế, người dân tộc thiểu số miền núi chỉ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Mà đặc điểm chung trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi là phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi vùng này chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vào mùa hè; rét đậm, rét hại, băng giá vào mùa đông… cùng với biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường khiến sản xuất nông, lâm nghiệp phần lớn phụ thuộc vào “ông Trời”. Chính điều đó đòi hỏi nhu cầu lao động trong gia đình người dân tộc thiểu số thường rất lớn. Do vậy, thanh, thiếu niên sớm tham gia làm việc cùng cha mẹ để đảm bảo cuộc sống cũng là điều cần thiết và bình thường. Vấn đề trở nên tiêu cực khi cha mẹ thúc đẩy việc tảo hôn cho con với suy nghĩ có thêm nhân lực tham gia hỗ trợ, gánh vác việc nhà cho người lớn, hoặc tham gia các hoạt động kinh tế cho nhà chồng để đảm bảo sinh kế.
Sau khi tảo hôn, các em vừa phải lao động sản xuất, vừa phải chăm lo cho bản thân, chồng, vợ, con, người già, người khuyết tật… trong gia đình. Lao động kéo dài nhiều giờ trong ngày khiến các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần, mà đáng lẽ ra như trong điều kiện bình thường các em đáng được hưởng. Một số trường hợp bỏ học lấy vợ, lấy chồng do có suy nghĩ học tiếp cũng không xin được việc làm, ít cơ hội kết hôn khi tuổi đời tăng dần, sợ bị ế… Chính vì cơ hội học tập ít, áp lực và các mối quan hệ xã hội tác động nên họ chọn kết hôn là “phương án tốt nhất” để được đảm bảo về mặt tài chính, nhất là với trẻ em gái.
Việc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và y tế liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh sản, các biện pháp tránh thai, quan điểm đời sống cởi mở... đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm. Trong bối cảnh đó, tảo hôn được xem là giải pháp xử lý hậu quả mang thai ngoài ý muốn nhằm “bảo vệ danh dự” của người con gái và gia đình khỏi kỳ thị và chê bai của xã hội.
Mặt khác, pháp luật hôn nhân và gia đình chưa được thực thi đầy đủ hoặc không phát huy tác dụng, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Nhiều gia đình sẵn sàng chấp nhận bị phạt để tổ chức cưới tảo hôn cho con, nhất là trong trường hợp cô gái đã có thai. Hơn nữa, chế tài nộp tiền phạt rất khó thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số. Các gia đình tổ chức cưới tảo hôn cho con đa số là hộ nghèo nên không có tiền nộp phạt. Chính quyền địa phương cũng khó mà cưỡng chế. Mặt khác, ở cơ sở, cán bộ xã nhiều khi là anh em họ hàng của đôi nam, nữ nên dù biết là vi phạm vẫn đành làm ngơ, tạo điều kiện cho tảo hôn tồn tại. Phản ứng từ cộng đồng địa phương cũng rất yếu, hầu hết coi đây là việc riêng của từng gia đình, thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chống tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều hạn chế do rào cản về ngôn ngữ. Tại các bản vùng sâu, vùng xa, người dân ở độ tuổi từ 35 tuổi trở lên và phụ nữ không biết chữ, không biết tiếng phổ thông còn nhiều. Trình độ dân trí hạn chế, người dân chưa hiểu rõ hậu quả của tảo hôn, thiếu kinh phí triển khai… dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, vận động chưa được như mong muốn.
Cần thêm nhiều nỗ lực và giải pháp chống nạn tảo hôn để nâng cao đời sống kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định. Nổi bật là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số”.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, có thiết kế 3/10 dự án liên quan đến vấn đề dân số, phòng chống tảo hôn: Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9 - Đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, trong đó nêu rõ nhiệm vụ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Để thực hiện tốt chương trình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sự tham gia tổ chức thực hiện của không chỉ các ngành liên quan trực tiếp như: Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Dân tộc mà phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao với ngành dọc của mình.
Hai là, cần bổ sung chỉ tiêu chống tảo hôn vào các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng và thực hiện, làm căn cứ để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực thực hiện.
Ba là, có sự lồng ghép về nguồn lực trên cùng một địa bàn giữa thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025 và Quyết định số 1679/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030 để phát huy hiệu quả và phấn đấu đạt các mục tiêu giảm tảo hôn theo các mốc thời gian 2025 và 2030.
Bốn là, tổng kết, nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay đã khẳng định hiệu quả trong thời gian qua như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ nói không với tảo hôn”… coi đẩy lùi tảo hôn là một tiêu chí xét thi đua hàng năm, phát động phong trào thi đua giữa các thôn và có hình thức khen thưởng với những thôn thực hiện tốt… Đó là những mô hình hay cần đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Năm là, tập trung đầu tư ở các địa bàn trọng điểm về tảo hôn, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Đặc biệt chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi. Phụ nữ tảo hôn khi mang thai cần được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh, đảm bảo mục tiêu 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Sáu là, nên xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về chống tảo hôn, tương tự như các thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống Covid-19… đăng, phát rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là vào mùa lễ hội, mùa cưới nhằm tạo điểm nhấn tuyên truyền vận động thanh, thiếu niên không tảo hôn và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn ở những vùng, những dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn cao.
Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn. Chú trọng lồng ghép nội dung chống tảo hôn, các thông điệp về dân số, về chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước… trong các tác phẩm, sản phẩm văn hóa, văn nghệ, giải trí. Tận dụng triệt để thế mạnh của công nghệ truyền thông hiện đại, internet, mạng xã hội... trong truyền thông giáo dục về dân số và chống tảo hôn.
Bảy là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản phải được đưa vào cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú - nhóm tuổi học sinh dễ bỏ học để tảo hôn nhất để nâng cao nhận thức cho các em.
Tám là, phát động rộng rãi phong trào “xã, thôn, bản không có tảo hôn” làm cơ sở cho việc định hướng, giám sát, đánh giá kết quả các hoạt động phòng ngừa tảo hôn ở cấp cơ sở. Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh đối với người tảo hôn và người tổ chức tảo hôn, cần khen thưởng kịp thời người có công phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra tảo hôn.
Vũ Thu Giang
Thạc sĩ, Tạp chí Mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam