Tình yêu quê hương, đất nước trong thơ người đi sứ

(Mặt trận) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, việc các triều đại cử sứ thần sang Trung Quốc bang giao để giữ tình hoà hiếu hoặc đấu tranh ngoại giao, bảo vệ quyền lợi của quốc gia là hết sức cần thiết. Người được cử đi sứ thường là những đại thần có khí tiết, phẩm cách, giỏi biện bác, có tài năng chính trị và văn học hơn người. Lịch sử đã ghi lại nhiều chuyện thú vị của những sứ thần Đại Việt qua các triều đại. Ngày xuân xin giới thiệu hai bài thơ tâm trạng của hai sứ thần Đại Việt trong những chuyến đi ấy.

HỨNG MUỐN TRỞ VỀ                

Dâu già, lá rụng, tằm vừa chín

Lúa sớm, hương thơm, cua béo ghê

Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt                  

Giang Nam tuy vui chẳng bằng về nhà.          

                     Nguyễn Trung Ngạn     

 

THƠ VIẾT TRONG THUYỀN

Đêm lặng, trăng như vẽ

Trời rét, tuyết thành hoa

Thuyền cô, khách ngàn dặm

Mười mơ, chín về nhà.

                   Nguyễn Thiên Tích

Nguyễn Trung Ngạn tự là Bang Trực, hiệu là Giới hiên đậu Hoàng giáp năm Giáp Thìn (1304) khi mới 16 tuổi. Bài thơ "Quy Hứng" (Hứng muốn trở về) ông làm trên đường đi sứ nhà Nguyên năm 1321. Những năm ấy, dù là đại thần, trạng nguyên hay tiến sỹ cũng phải băng rừng vượt suối bằng cáng, bằng ngựa, chịu đựng nắng, mưa, gió rét, lam sơn chướng khí hàng năm trời. Đường đi sứ đa số qua những vùng rừng núi hoang vu, tính mạng bị đe doạ bởi kẻ cướp, thú dữ, bệnh tật nguy hiểm vô cùng. Nguyễn Trung Ngạn viết bài thơ này ở Giang Nam, khi những đoạn đường gian khổ nhất đã đi qua. Giang Nam là phía Nam sông Trường Giang, nơi phồn hoa đô hội có tiếng ở Trung Quốc, nay thuộc Giang Tô, An Huy và Giang Tây. Sứ thần Đại Việt cũng được hưởng nhiều sản vật, thưởng ngoạn nhiều phong cảnh đẹp, giàu có miền Giang Nam. Hai câu đầu của bài thơ chính là phác thảo cảnh vật Giang Nam. Cũng chính trong sự sung túc giàu có nơi "đất khách quê người", tác giả chạnh lòng nhớ quê nhà và bộc bạch niềm tâm sự: "Nghe nói ở nhà dẫu nghèo vẫn tốt. Đất Giang Nam tuy vui chẳng bằng về nhà".

Hơn một trăm năm sau ngày Nguyễn Trung Ngạn "quy hứng", Nguyễn Thiên Tích người đỗ đầu khoa Hoành Từ (1431) cũng dẫn đoàn sứ bộ Đại Việt đi sứ nhà Minh. Khác với Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Thiên Tích đã đi sứ Trung Quốc đến 3 lần. Có lẽ, ông đã có rất nhiều "đêm Trung nguyên chuyện trò cùng chị Nguyệt" để tỏ bày tâm sự. Từ hàng ngàn năm nay, các thi sĩ Đông, Tây, kim, cổ đều tức cảnh sinh tình. Nếu những "dâu già'', "tằm chín" ''lúa sớm", "cua béo'', người phương Nam ai cũng có thể biết, thì cảnh "Trời rét tuyết thành hoa" là của riêng phương Bắc, hoàn toàn phương Bắc mà người phương Nam không phải ai cũng biết. Không biết con thuyền cô đơn của lữ khách ngàn dặm tha hương đậu trên sông Trường Giang, Hoàng Hà hay sông hồ nào đó của Trung Hoa đại lục, nhưng cảnh dù lạ, dù đẹp mấy cũng không phải là quê hương. Trái lại, nó càng dầy lên nỗi nhớ quê hương. Cái "đêm nằm-năm ở" chập chờn "cố quốc" ấy đã bật lên cồn cào: "Mười mơ, chín về nhà". Những ai đã từng có lần tha phương đất khách quê người, sống trên đất nước người hẳn sẽ càng thấm thía và thấu hiểu chữ nhà trên đất khách thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước biết bao.

Hai thế kỷ, hai nhà ngoài giao, hai bài thơ đi sứ ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng tình yêu quê hương, đất nước trong "Giang Nam tuy vui cũng chẳng bằng về nhà" và "Mười mơ, chín về nhà" chỉ là một.

Kinh Bắc

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều