A! Đây rồi những người “vác ô” mà dư luận hay nói đến, nay đã được Kiểm toán Nhà nước lượng hóa bằng một con số cụ thể.
Thừa đến gần 60.000 người trong biên chế là con số quá lớn. Thừa có nghĩa là không có nhu cầu sử dụng đến nhưng vẫn lãnh lương.
Quỹ lương và các chi phí khác cho gần 57.175 người thừa này là bao nhiêu, Kiểm toán Nhà nước không công bố, nhưng chắc chắn là khủng khiếp. Chỉ lấy trung bình, chi trả lương 5.000.000 đồng/1 biên chế, thì mỗi tháng phải trả gần 286 tỉ đồng, một năm mất hơn 3.430 tỉ đồng. Thế nhưng, đâu chỉ đơn giản là quỹ lương, chừng này người vác ô là kèm theo trụ sở, xe cộ, điện, nước, điện thoại, máy vi tính, công tác phí. Càng nghĩ càng đau đầu.
Mà người thừa có ngồi yên cho đâu, họ không làm việc chung thì làm việc riêng, chưa kể những hành vi nhũng nhiễu dân chúng làm ảnh hưởng tới việc công.
Kiểm toán đã công bố biên chế dư thừa, vậy thì phải xử lý, chẳng lẽ cứ để một điều vô lý như vậy tồn tại.
Nhưng đụng đến con người rất khó, bởi vì so chiếu trên tổng thể thì ra con số dư thừa, nhưng chỉ ra được ai dư thừa lại là chuyện khác. Chẳng ai nhận mình là người kém, ở nhiều cơ quan, không biết lấy gì để đo lường ai giỏi ai dở, việc gì cũng làng nhàng, ai cũng như ai, sáng vác ô đi, đến cơ quan pha trà đọc báo, chơi game, chiều vác ô ra quán nhậu...
Vậy thì biết cắt cục thịt thừa to tướng này như thế nào là một chuyện đau đầu.
Cạnh cái lý còn cái tình, có những người sống bằng đồng lương công chức, nuôi vợ nuôi con, bị cắt biên chế thì sống bằng cách gì. Cho nên, cắt giảm biên chế luôn đi liền với yếu tố nhân văn.
Hãy tính đến cách sắp xếp dần, giảm người theo chế độ nghỉ hưu và không tuyển dụng thêm, vận động cán bộ công chức nghỉ hưu trước tuổi và có chế độ hỗ trợ. TPHCM đã có chương trình hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc đối với 1.062 người từ tháng 12.2017 - năm 2021 là hơn 380 tỉ đồng. Đây là giải pháp rất tốt, có thể vận dụng cho nhiều địa phương, bộ ngành.
Nhưng, các biện pháp giảm người thừa sẽ trở nên vô nghĩa nếu như các địa phương, bộ ngành, cơ quan vẫn cứ tuyển dụng người theo kiểu hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ.
Người ta có quá nhiều cách để lách và cũng chưa có ai bị kỷ luật vì đơn vị của mình thừa người.
Theo Lê Thanh Long/Báo Lao động